Lựa chọn phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể để thành lập các tổ vay vốn, nhằm khơi thông nguồn vốn, tạo kênh dẫn vốn hiệu quả đến bà con nông dân, Agribank không chỉ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu tăng trưởng, bảo đảm chất lượng nguồn vốn mà còn tạo ra 'sân chơi' bổ ích để bà con chia sẻ kinh nghiệm, gửi gắm niềm tin và gắn kết mật thiết trong cuộc sống và sản xuất, kinh doanh.
Kênh dẫn vốn hiệu quả
Đồng hành cùng Agribank từ những ngày đầu triển khai, ông Bùi Minh Khước - nguyên Chủ tịch Hội nông dân xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định khẳng định, Tổ vay vốn là cách làm khôn ngoan của Agribank, bởi hình thức cho vay công khai, thông qua tổ nhóm, xóm trưởng là Tổ trưởng tổ vay vốn, quán xuyến nắm bắt thông tin về người vay.
Đặc biệt, tận dụng mối quan hệ chặt chẽ giữa ngân hàng, thôn, xóm và ủy ban xã, Agribank dễ dàng nắm bắt thông tin về người vay vốn. Hàng tháng giữa ngân hàng, hội nông dân, tổ trưởng tổ vay vốn tổ chức giao ban, đánh giá hoạt động trong tháng, tồn đọng nợ lãi phát sinh nên hầu như không có tình trạng xâm tiêu vốn ngân hàng. Tỷ lệ thu gốc lãi luôn đạt 98 - 99%. Hình thức này được nhiều người cộng tác, phối kết hợp, giám sát hoạt động cho vay và sử dụng nguồn vốn.
Chia sẻ thêm về mô hình Tổ vay vốn, Giám đốc Agribank Nam Định Phạm Văn Hướng cho hay, Tổ vay vốn giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt từ khi có Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ra đời, đã giúp chuyển tải nhanh nhất chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, quy trình nghiệp vụ, quy chế, thủ tục ngân hàng đến với người dân một cách công khai minh bạch, nhanh chóng.
Hoạt động của Tổ vay vốn có sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp ủy chính quyền địa phương đến các tổ chức chính trị đoàn thể xã hội, từ khâu tiếp cận khách hàng, thẩm định đến đôn đốc, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn ngân hàng một cách nhanh nhất. Các thôn xóm đội, xã đều là tổ vay vốn, cánh tay nối dài của ngân hàng, người dân không cần đến trụ sở ngân hàng mà vẫn thực hiện được giao dịch ngân hàng, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận vốn một cách thuận lợi. Khi có sự tham gia của chính quyền, người dân cảm nhận có sự bảo lãnh của cả hệ thống chính trị, họ càng thêm yên tâm và tin tưởng vào ngân hàng.
Sau hơn 20 năm duy trì hoạt động bài bản mô hình Tổ vay vốn (từ năm 1999) đến nay, Agribank tỉnh Nam Định đã xây dựng chiến lược khách hàng, trong đó xác định đối tượng đầu tư chính là kinh tế cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tính đến cuối tháng 9.2022, Agribank tỉnh Nam Định quản lý 1.753 tổ vay vốn với 39.745 thành viên, tổng dư nợ hơn 12 nghìn tỷ đồng, trong đó, Hội nông dân quản lý hơn 9.000 tỷ đồng, Hội Phụ nữ quản lý gần 300 tỷ đồng, các tổ chức khác quản lý hơn 3.000 tỷ đồng.
Không chỉ Nam Định tổ chức và thực hiện thành công mô hình hoạt động Tổ vay vốn, mà rất nhiều địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên cả nước đã thay đổi diện mạo nhờ sự được tiếp vốn kịp thời. Quan trọng hơn, thông qua Tổ vay vốn, nguồn vốn, chất lượng vốn được kiểm soát chặt chẽ; tỷ lệ nợ xấu giảm, nhiều nơi không có nợ xấu.
Lợi ích cho các bên
Không thể phủ nhận, kể từ khi có mạng lưới Tổ vay vốn, ngân hàng đã giảm tải được áp lực cho các nhân viên; bà con nông dân được tiếp cận với nguồn vốn và các sản phẩm dịch vụ nhanh nhất, thuận lợi nhất; quan trọng hơn, Tổ vay vốn còn là nơi bà con dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cũng như những giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ.
Đến nay, dư nợ cho vay qua Tổ vay vốn đạt gần 200 nghìn tỷ đồng, với trên 1,26 triệu thành viên và trên 66 nghìn Tổ vay vốn trên toàn quốc, nguồn vốn cho vay đạt hiệu quả cao, nợ xấu chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Để nâng cao chất lượng tín dụng, tăng tỷ lệ thu lãi, giảm tỷ lệ nợ xấu, tạo thêm thu nhập cho Tổ trưởng Tổ vay vốn, Agribank đã thực hiện chi trả hoa hồng nhằm nâng cao trách nhiệm của Tổ trưởng. Bên cạnh đó, thành viên trong Tổ được Hội nông dân các cấp quan tâm tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm và khoa học công nghệ, khích lệ hội viên tham gia sản xuất, góp phần giúp nông dân làm giàu, giảm nghèo bền vững.
Sinh hoạt tại các Tổ vay vốn cũng là cơ hội để các thành viên giao lưu gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm về phương thức đầu tư sản xuất, động viên nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, vững tin và vững bước sản xuất kinh doanh, tạo thêm thu nhập cho gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua sinh hoạt Tổ, nhóm, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt, tệ nạn xã hội tại các vùng quê ngày càng giảm và dần được đẩy lùi.
Ngoài ra, mô hình Tổ vay vốn kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội các cấp góp phần giảm tải áp lực đối với cán bộ tín dụng của Agribank, hỗ trợ tạo tiền đề cho các chi nhánh trong quá trình phối hợp tuyên truyền triển khai các hoạt động cho vay, mở rộng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, việc thực hiện các thỏa thuận liên ngành đã tạo điều kiện thuận lợi để các bên triển khai cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước một cách sâu rộng, có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ.
Thực tế hiện nay, mô hình tổ vay vốn đã trở thành kênh chuyển tải vốn tín dụng nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, an toàn đến đông đảo người dân trên địa bàn nông thôn. Thông qua các tổ vay vốn, Agribank đã tạo ra một kênh tín dụng có hiệu quả cho hội viên các đoàn thể chính trị, nhất là các hội viên ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, từng bước góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.