Thông tin từ Viện Khảo cổ học cho thấy, việc khai quật Thành nhà Hồ mới đây đã phát lộ thêm nhiều di chỉ, cũng như khẳng định kết cấu tường thành đặc biệt này.
|
Nhiều di chỉ khảo cổ mới được phát hiện tại Thành nhà Hồ mang nhiều giá trị khoa học rất quan trọng. (Ảnh: A.Thắng) |
Ngày 22/1, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) đã tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật khảo cổ ở Thành nhà Hồ với nhiều di chỉ tìm thấy cũng như kết luận vững chắc về kết cấu xây dựng tường đá ở Thành Nhà Hồ.
Công tác khảo cổ đã khai quật diện tích khoảng 1.000m2 trong vòng 5 tháng qua. Trong đó thực hiện khai quật lát cắt tường thành phía Đông Bắc Thành Nhà Hồ với diện tích 400m2 và khai quật thám sát di chỉ khảo cổ học núi Xuân Đài, huyện Vĩnh Lộc với diện tích là 500m2.
Các nhà khảo cổ đã kết luận làm sáng rõ bí ẩn lâu nay về kết cấu tường đá của Thành nhà Hồ. Theo đó, tường thành có kết cấu đắp bằng đất sét đầm lèn ở thân và mặt trong, bên ngoài ốp bằng đá với những tảng đá nặng lên tới hàng chục tấn. Thành đắp bằng 11 lớp đất, sỏi cuội tỉ mỉ, kiên cố, móng có 7 lớp gia cố bằng sỏi cuội và đất sét.
|
Địa điểm khai quật vừa qua tại Thành nhà Hồ |
Quá trình khai quật đã phát hiện thêm nhiều di vật chủ yếu là nhóm vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, đá khối, trang trí kiến trúc và nhóm các loại hình đồ dùng trong sinh hoạt như sành, sứ, tiền kim loại chủ yếu thuộc niên đại Lý - Trần - Hồ - Lê.
Tại khu vực núi Xuân Đài, với 2 hố khai quật đã phát lộ nhiều di vật như: gốm men, gạch bìa, gạch có chữ Hán, gạch trang trí hoa chanh, hoa cúc; ngói mũi sen đơn, kép; ngói mũi nhọn,trang trí kiến trúc thời Trần; gốm men trắng trang trí hình sóng nước; ngói sen, ngói bò nóc; gạch bìa; lá đề; ngói men trắng vẽ lam thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, đinh sắt các loại...
Đây là những cứ liệu quý giá là căn cứ khoa học cho việc trùng tu và đánh giá chính xác về triều đại xây dựng Thành nhà Hồ.