Ở Pakistan, từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước quy định pháp luật cấm mọi hình thức báng bổ những gì được coi là linh thiêng trong tôn giáo.
|
Ảnh minh họa. |
Trên cơ sở luật này cho tới nay đã có hơn 13.000 người bị đưa ra xét xử trước toà án. Luật rất nghiêm khắc và khung hình phạt rất nặng, không hiếm bản án được tuyên là tù chung thân và tử hình, cho dù đến nay chưa có bản án tử hình nào được thi hành.
Nhưng lần đầu tiên ở nước này và cũng là lần đầu tiên trên thế giới, toà án tuyên xử tử hình đối với một người đàn ông 30 tuổi về việc đã có bình luận trên mạng xã hội Facebook với nội dung báng bổ Thánh Mohamed của Đạo Hồi.
Bản án này tạo tiền lệ pháp lý mới ở Pakistan và trên thế giới. Bình luận hay Like là những ứng dụng rất thông dụng trên các mạng xã hội như Facebook.
Người sử dụng Facebook không trực tiếp đăng tải nội dung mà thể hiện quan điểm, nhận thức hay đánh giá của mình về trình bày của người khác.
Ở Thụy Sỹ, tòa án đã trừng phạt một người sử dụng Facebook về việc người này Like nội dung cổ suý cho phân biệt đối xử về tôn giáo, nhưng chỉ phạt tiền chứ không phạt tù. Còn ở Pakistan, bản án đã được toà tuyên là tử hình.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới có luật chế tài việc báng bổ những nhân vật và những điều được tôn giáo này hay tôn giáo khác coi là tôn nghiêm và linh thiêng. Thực sự tôn trọng các tôn giáo và tín ngưỡng của kẻ khác thì pháp luật phải như thế.
Ở Pakistan, hơn 90% dân chúng theo Đạo Hồi nên pháp luật trừng phạt nghiêm khắc những hành vi báng bổ đấng thần linh tôn giáo là điều dễ hiểu. Bình luận là thể hiện quan điểm.
Vì thế, các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng bình luận là biểu tượng cho tự do ngôn luận và báo chí.
Cho nên chuyện ở đây không chỉ liên quan đến số phận của người đàn ông 30 tuổi kia ở Pakistan mà sâu xa hơn còn là giới hạn giữa quyền về tự do ngôn luận và tự do báo chí với lạm dụng nó để thể hiện quan điểm và thái độ báng bổ tín ngưỡng của người khác.