“Chỉ vì lợi ích vật chất mà chị N. đã thuê người chặt chân, tay, đã tự hủy hoại sức khỏe bản thân để mong có được số tiền bảo hiểm. Đây là việc làm thiển cận và thiếu suy nghĩ” – LS Thơm cho biết.
Trục lợi bảo hiểm là hành vi lừa dối nhằm kiếm lợi bất hợp pháp của đối tượng tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Với hành vi thuê người chặt chân, tay làm giả hiện trường tai nạn để trục lợi tiền bảo hiểm của chị N. là hết sức thiển cận, thiếu suy nghĩ và nó chưa từng xảy ra ở Việt Nam.
Trước đó, vào khoảng 0h05 ngày 5/5, Công an quận Bắc Từ Liêm nhận được tin báo từ anh Doãn Văn D. (SN 1995, nhà ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về việc xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt tại khu Hà Đông - Phú Diễn, thuộc tuyến đường Bắc Hồng - Văn Điển.
|
Hiện trường nơi xảy ra sự việc (Ảnh: ANTĐ) |
Nạn nhân là chị Lý Thị N. (SN 1986, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái, bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời. Sau khi đưa vào viện 19/8 điều trị ít ngày chị N. xin chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Do vết thương đã hoại tử nên bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã tháo bỏ phần cơ thể bị đứt rời...
Theo chị N., do buồn chuyện gia đình nên chị đi lang thang và bị tàu hút vào dẫn đến việc bị tai nạn. Vừa lúc, có anh D. đi ngang cứu nên mới thoát chết.
Tuy nhiên, khi Công an vào cuộc điều tra đã xác định chị N. đã thuê D. chặt tay, chân của mình để có thể được thanh toán quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã mua trước đó. Sau nhiều lần triệu tập tại cơ quan Công an, chị N., đã thừa nhận hành vi trên.
Liên quan đến sự việc trên, PV Phapluatplus.vn đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (VP LS Nguyễn Anh – Đoàn luật sư Hà Nội).
"Hành vi của Chị N đã thuê đối tượng Doãn Văn D chặt chân, tay của mình giả làm tai nạn để nhằm múc đích trục lợi bảo hiểm là việc xưa nay chưa từng có ở Việt Nam, việc làm này không thể chấp nhận được xét dưới góc độ con người và pháp luật.", LS Thơm cho biết.
|
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VP LS Nguyễn Anh - Đoàn luật sư Hà Nội) |
Trưởng văn phòng LS Nguyễn Anh còn nhấn mạnh, chỉ vì lợi ích vật chất mà chị N. đã tự hủy hoại sức khỏe bản thân để mong có được số tiền bảo hiểm do mình đã tham gia mua bảo hiểm nhân thọ. Đây là việc làm thiển cận và thiếu suy nghĩ .
Cũng theo Luật sư Thơm, do vụ việc xảy ra đã bị cơ quan Công an phát hiện và làm rõ nên chị N. đã không thể thực hiện được việc trục lợi số tiền bảo hiểm nhân thọ nên cũng chưa đến mức độ xử lý về mặt hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật hình sư 1999.
Theo qui định của điều luật này, đây là tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu qủa chiếm đoạt đã xảy ra.
Chị N đã có hành vi trục lợi bảo hiểm khi thuê người khác hủy hoại sức khỏe mình để trục lợi bảo hiểm nhưng do bị phát hiện ngăn chặn sớm ngay từ ban đầu nên chưa chiếm đoạt được tiền của Công ty bảo hiểm.
Do đó, hành vi của chị N chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính đối với bà N về hành vi “báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 5, Nghị định 167 ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.
Đối với hành vi của đối tượng Doãn Văn D. (SN 1995, nhà ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là người được chị N thuê dùng hung khí gây thương tích cho chị N.
Đối tương Doãn Văn D buộc phải nhận thức được hành vi dùng hung khí tác động vào vùng chân, tay của chị N là hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chị N, dù chị N có thuê hay bất cứ động cơ mục đích nào khác thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác" theo Điều 104 Bộ luật hình sự 1999.
Kết quả giám định của Cơ quan chuyên môn về tỷ lệ thương tật chị N sẽ là căn cứ xử lý đối tượng theo qui định tại Điều 104 BLHS.
Kể cả trong trường hợp tỷ lệ thương tật của chị N dưới 11% thì đối tượng vẫn bị xử lý theo khoản 1 Điều 104 BLHS với tình tiết định khung: Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê.
Điều 104 BLHS 1999. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; .... 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. |