Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công điện số 06/UBND-CĐ, ngày 24-5-2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo nội dung công điện, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 đợt nắng nóng, một số trạm khí tượng nhiệt độ không khí cao nhất ngày đã vượt giá trị lịch sử như tại trạm khí tượng Hồi Xuân đạt 44,1 độ C (ngày 6-5) vượt giá trị lịch sử là 2,4 độ C (41,7 độ C xảy ra ngày 7-5-2003).
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, tình hình nắng nóng trong thời gian tới sẽ nhiều và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm cũng như cùng thời kỳ năm 2022, trong đó có những đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt và kéo dài nhiều ngày. Từ nay đến tháng 7, độ mặn lớn nhất tháng vùng cửa sông ven biển có xu thế tiếp tục tăng và lấn sâu vào nội địa; lượng dòng chảy trên lưu vực các sông trong các tháng 5, 6, 7 tiếp tục giảm và ở mức thấp.
Tính đến ngày 24-5-2023, có 554/610 hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường (trong đó có 48 hồ dưới mực nước chết); mực nước các hồ Cửa Đạt, Yên Mỹ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 0,75 - 1,23m; hồ thủy điện Trung Sơn thấp hơn mực nước chết 3,97m, thấp hơn so với cùng kỳ 11,1m.
Thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19-5-2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các công ty khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực Thanh Hóa, chủ các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thuỷ điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là đối với lĩnh vực trọng yếu.
UBND các huyện, thị xã, thành phố và các công ty khai thác công trình thủy lợi tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 17574/UBND-NN ngày 24-11-2022 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2022-2023; đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch ứng phó khẩn cấp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vụ Xuân và đầu vụ Mùa năm 2023.
Triển khai thực hiện các giải pháp trữ nước như: Đào ao, giếng, nạo vét hệ thống kênh dẫn nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm giữ nước... để tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích chết hồ chứa và nguồn nước hồi quy trong nội đồng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Chủ động thực hiện các giải pháp cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của Nhân dân, nhất là đối với vùng núi, vùng ven biển thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt.
Thực hiện các giải pháp nâng cấp, nâng cao khả năng trữ, mở rộng tuyến ống tại các công trình cấp nước tập trung; phương án sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động, như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, từng cụm dân cư, hộ gia đình.
Chủ động bố trí ngân sách địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung.
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các công ty khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan xây dụng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025, các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng, thủy văn; thông tin dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước trên các lưu vực sông do các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cung cấp trước vụ sản xuất/tháng/tuần và đột xuất để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cấp nước cho các đối tượng sử dụng nước.
Thực hiện kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi; điều chỉnh bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.
Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, tổ chức điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; những diện tích có nguy cơ nguồn nước không đủ cung cấp cho cả vụ cần phải điều chỉnh lịch xuống giống để tránh thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt trùng thời gian sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng. Tăng cường triển khai các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, ưu tiên đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Rà soát nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến các vùng nuôi trồng thuỷ sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản như loài nuôi có khả năng sinh trưởng, kháng bệnh cao, dễ thích nghi với biến đổi môi trường nuôi.
Đối với chăn nuôi, hướng dẫn người chăn nuôi tận thu các nguồn thức ăn để chế biến, dự trữ trong mừa khô, hạn; không chăn thả gia súc ngoài trời khi nắng nóng, nuôi nhốt gia súc, cho ăn tại chuồng hoặc cố định gia súc ở những nơi có cây xanh bóng mát; giảm mật độ nuôi nhốt đối với gia cầm, lợn.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi việc vận hành của các hồ chứa thủy điện; trường hợp vận hành không đúng quy định hoặc khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn và chất lượng nước trên các sông, suối... cung cấp thông tin kịp thời cho Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương, đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.
Sở Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn Nhân dân đảm bảo an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Sở Xây dụng chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các nhà máy nước rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa làm tốt công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Chủ các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã và Công văn số 1119/TNN-LVSBTB ngày 12-5-2023 của Cục Quản lý Tài nguyên nước về việc vận hành các hồ chứa giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các tháng cuối mùa cạn năm 2023.
Công ty Điện lực Thanh Hóa sẵn sàng triển khai phương án cấp điện an toàn và liên tục cho các trạm bơm tưới; đảm bảo tất cả các trạm bơm đầu mối lớn, các trạm bơm vùng triều phải được cấp điện 24/24h để tranh thủ bơm nước.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin cho các đơn vị liên quan. Các sở, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan triển khai công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Tags: