Sáng 30/12, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã ký văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND TP Buôn Ma Thuột liên quan đến vụ việc giá đỗ ủ chất cấm.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, những ngày qua, cơ quan báo chí đăng tải các bài viết về giá đỗ ủ chất cấm và cơ quan chức năng chưa thể hiện rõ trách nhiệm.
Đối tượng Lâm Văn Đạo sản xuất giá đỗ ủ chất cấm nhập cho siêu thị Bách Hóa Xanh. Ảnh: Công an tỉnh Đắk Lắk |
UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND TP Buôn Ma Thuột và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung báo chí nêu.
Báo cáo hoạt động quản lý an toàn thực phẩm đối với 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm (ngoài danh mục được phép sử dụng); công tác điều tra, truy xuất, triệu hồi và kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu báo cáo trên địa bàn tỉnh đã cấp được bao nhiêu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh giá đỗ.
Giải pháp để quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ trong thời gian đến để kịp thời chấn chỉnh nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại tỉnh Đắk Lắk.
Từ đó, báo cáo tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý trước ngày 2/1/2025.
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk vừa khởi tố 4 đối tượng là chủ 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột về hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm.
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, thu giữ 20.357 kg giá đỗ mà nhóm này đã ngâm hoạt chất 6-Benzylaminopurine.
Ngoài ra, cơ quan công an thu giữ 37 can nhựa với 135 lít hoạt chất cấm trên.
Nếu không bị phát hiện, với 135 lít dung dịch này, các đối tượng sẽ sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 675 tấn giá thành phẩm với giá bán khoảng 18,7 tỉ đồng.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận trung bình mỗi năm đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ủ hóa chất 6-Benzylaminopurine.
4 đối tượng là chủ của 6 cơ sở sản xuất giá đỗ đã khai nhận dù biết hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất nguy hại nhưng vì lợi nhuận và yêu cầu của thị trường nên vẫn sử dụng để ủ giá đỗ.
Cơ quan điều tra khởi tố 4 chủ cơ sở sản xuất giá đỗ ủ chất cấm. Ảnh: Công an tỉnh Đắk Lắk |
Theo nguồn tin, đối tượng Lâm Văn Đạo (chủ của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo) bắt đầu nhập hàng cho siêu thị Bách Hóa Xanh từ tháng 5-2024 đến thời điểm bị công an bắt giữ.
Trung bình mỗi ngày Đạo bán cho siêu thị này hơn 300 kg giá đỗ có ủ chất cấm.
Để giá đỗ vào được cửa hàng, Đạo đã in bao bì, tem mác, có ghi hạn sử dụng và đóng gói chuyển vào Bách Hóa Xanh.
Trên bao bì giá đỗ này, Đạo dán lên những nhãn mác "Vì sức khỏe của mọi người", "Không hóa chất", "Không chất kích thích", "Không chất bảo quản" để lừa dối khách hàng.
Hoạt chất 6-Benzylaminopurine không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Khi hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, còn ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.
Ở một diễn biến liên quan, ngày 26/12, Công ty cổ phần Bách hóa Xanh đã thu hồi mặt hàng giá đỗ đã nhập trước đó.
Hiện công an tỉnh Đắk Lắk đang mở rộng điều tra, hoàn tất hồ sơ, chuyển VKSND cùng cấp truy tố các đối tượng ra pháp luật.
Tags: