Theo các chuyên gia muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình thì Việt Nam phải duy trì được mức tăng trưởng từ 7 - 7,5% hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2030, cao hơn so với mức trung bình 6,3% trong 10 năm vừa qua. Đây là thách thức không nhỏ song vẫn có cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và cơ cấu dân số vàng…
4 kịch bản tăng trưởng
Tại Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045” do Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hôm qua, 20/3, TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã đưa ra 4 kịch bản tăng trưởng kinh tế đến năm 2045. Theo đó, GDP kịch bản cơ sở là 5,7%, kịch bản cải cách là 6,5%, kịch bản cải cách dựa trên đổi mới sáng tạo là 7% và kịch bản khát vọng lớn là 7,5%.
“Đây là giai đoạn có tính quyết định để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Chính vì vậy, đây là giai đoạn bứt phá, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn này dự tính phải đạt bình quân 7- 7,5%, cao hơn nhiều mức bình quân 6,3% giai đoạn 2011- 2020…” - TS Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh.
Ấn tượng với mức tăng trưởng gần 7%/năm sau đổi mới mà nhờ đó thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần, tỷ lệ nghèo giảm xuống dưới 7% so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione lưu ý: “Hành trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu. Và những thành tựu trong 30 năm qua không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Tác động của những cải cách thể chế và cấu trúc giai đoạn đầu dường như đã tới hạn. Việc điều chỉnh và thay đổi mô hình tăng trưởng mang tính cấp thiết nếu Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao thành công vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045…”.
Giám đốc WB tại Việt Nam cũng cho rằng, để đạt được khát vọng này, nền kinh tế cần hoạt động hiệu quả và bền vững trong suốt hơn 25 năm tới, tăng trưởng trung bình ít nhất phải bằng mức trong 30 năm qua. Và mục tiêu này phải đạt được trong một bối cảnh đầy thách thức. Đó là, trong nước, Việt Nam đang phải đối mặt với những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tác động của tích lũy nhân tố giảm, cũng như chi phí môi trường ngày càng lớn trong quá trình phát triển; Trên thế giới, Việt Nam sẽ phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh đang thay đổi, những chuyển đổi về mô hình thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ ít thuận lợi hơn cho sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và cuộc CMCN 4.0 vừa là cơ hội đang được định hình, vừa tạo ra những rủi ro mới.
“Đổi mới 4.0”
Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuận, Chủ tịch VASS, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức tương đối cao nhưng trên thực tế không đạt mục tiêu đề ra theo Chiến lược 2011- 2020, chỉ đạt 6,3% so với mục tiêu đặt ra là bình quân 7- 8%/năm mặc dù có lợi thế về dân số vàng.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra nguồn gốc tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2011- 2020 chủ yếu dựa vào vốn lao động, trong khi năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) rất thấp, cùng với đó hiệu ứng lan tỏa từ khu vực FDI thấp, đặc biệt năng suất lao động của Việt Nam tuy được cải thiện nhưng chưa đủ mạnh, cơ cấu lao động chưa hợp lý… “Vì vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao chúng ta phải tận dụng được 2 cơ hội vàng, đó là CMCN 4.0 và cơ cấu dân số vàng…” - GS Nguyễn Quang Thuận nhấn mạnh.
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh, những thành tựu mà Việt Nam đạt được đến hôm nay là kết quả dễ nhận thấy từ công cuộc đổi mới đầu tiên vào năm 1986, cũng như một loạt những biện pháp cải cách thị trường mạnh mẽ tiếp theo đó. Ngày nay, Việt Nam cần thêm một cuộc Đổi mới nữa để đạt được khát vọng trở thành quốc gia hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
“Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ đột phá mang đến cả thách thức và cơ hội, tôi muốn gọi đó là “Đổi mới 4.0”. Để giảm nhẹ các rủi ro này và tận dụng triệt để cơ hội mới, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách tập trung nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo, coi đây là những động lực tăng trưởng chủ yếu trong thập kỷ tới. Việt Nam sẽ phải thực hiện các bước loại bỏ các nút thắt đang cản trở đầu tư tư nhân, tăng cường năng lực cho các thể chế công, cũng như đầu tư vào những kỹ năng mà lực lượng lao động cần có trong thế kỷ 21” - ông Ousmane Dione lưu ý.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Xác định mô hình tăng trưởng là quan trọng, nhưng định hướng lớn về mặt chính sách, thể chế, tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn còn quan trọng hơn. Thực hiện Chiến lược thì có hai cách, một là tiệm tiến, hai là đột phá, nhảy vọt, đi tắt đón đầu. Cách thức chúng ta đi con đường này như thế nào?”. Phó Thủ tướng cũng mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có uy tín để đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm qua, góp ý về những điểm nghẽn, nguyên nhân, xu hướng phát triển và giải pháp lớn để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. |