Thế nhưng sau 17 ngày tranh tài, Đại hội Thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á lần thứ 31 đã rất thành công với nước chủ nhà Việt Nam.
Qua SEA Games 31, dư luận thấy rằng thể thao Việt Nam đã có bước tiến mới.
Chuẩn bị tổ chức đại hội SEA Games 31 trong bối cảnh cả nước và các quốc gia trong khu vực chưa kiểm soát được COVID-19, có lẽ trước khi sự kiện này diễn ra, một số người có tâm lý hoài nghi không rõ kỳ đại hội thể thao này “có nên cơm cháo gì”? Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất có thể không “hoàn hảo” vì điều kiện nguồn lực, thời gian có hạn. Nhiều địa phương vừa chống dịch, vừa bảo đảm hoàn thành tiến độ cải tạo cơ sở vật chất.
Thế nhưng sau 17 ngày tranh tài, Đại hội Thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á lần thứ 31 đã rất thành công với nước chủ nhà Việt Nam. Ban Tổ chức đã trao 1.759 huy chương các loại, trong đó có 525 Huy chương Vàng (HCV), 522 Huy chương Bạc và 712 Huy chương Đồng; với 30 kỷ lục SEA Games được xác lập. Đoàn Thể thao Việt Nam đi vào lịch sử của SEA Games với kỷ lục 205 HCV, phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung.
Buổi tối đội bóng U23 Việt Nam tranh tài với U23 Thái Lan rồi đoạt HCV cũng là một buổi tối khó quên. Rất nhiều người có thể không quan tâm bóng đá, nhưng chứng kiến sự đam mê của người hâm mộ, tinh thần quả cảm của các cầu thủ, cũng đã hào hứng theo dõi, “thót tim” với từng đường chuyền; và tất cả “bùng nổ” khi cầu thủ Việt Nam đưa bóng vào lưới đội bạn. Thể thao khi ấy không chỉ là cuộc chơi của các cầu thủ, các vận động viên, mà còn là cuộc chơi của hàng triệu người, mang đến niềm vui và sức mạnh tinh thần cho hàng triệu người.
Cũng qua kỳ SEA Games 31, dư luận thấy rằng thể thao Việt Nam đã có bước tiến mới. Số tiền chi cho SEA Games ước tính vài trăm tỷ đồng, so với một sự kiện lớn như vậy thì có thể đánh giá khá khiêm tốn, song ngành thể thao đã làm có trọng tâm, trọng điểm, nên nhiều nơi đạt chuẩn quốc tế, ví dụ trường bắn, cụm sân quần vợt, nhà thi đấu bi sắt... Nhiều trưởng đoàn, quan khách, trọng tài khu vực và quốc tế đánh giá cao nỗ lực tổ chức của Việt Nam.
Một vấn đề nữa, lợi thế của chủ nhà là có thể đưa vào nội dung thi các môn truyền thống của mình, tuy nhiên theo đánh giá, Việt Nam không làm như vậy. Thực hiện chỉ đạo tổ chức kỳ SEA Games trên tinh thần trong sáng, cao thượng, Việt Nam trong các lần họp, trình với Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á về dự kiến số bộ môn, bộ huy chương, luôn tôn trọng và tập trung vào bộ môn thi đấu của Asiad, Olympic, hạn chế tối đa bộ môn nước chủ nhà có lợi thế như thông lệ các kỳ SEA Games. Vì thế, các nước “tâm phục, khẩu phục”, thông qua điều lệ và đăng ký hưởng ứng.
Kết quả là trong 205 HCV Việt Nam đạt được, hơn 120 HCV thuộc các môn thể thao Olympic (riêng số này đã nhiều hơn tổng số HCV Thái Lan đạt được). Số HCV Việt Nam đạt được phá sâu kỷ lục 194 HCV mà Indonesia lập năm 1997 là khách quan. Đó là quá trình tích lũy, chuẩn bị về chất để có về lượng, chứ không phải là chuyển lượng thành chất.
Quay trở lại vấn đề sức mạnh tinh thần. Có được kết quả đó, ngoài việc nỗ lực tập luyện và tinh thần quyết tâm, các vận động viên Việt Nam còn có lợi thế sân nhà. Khi thi đấu trong nước, vận động viên hiểu về địa hình địa vật, dễ dàng làm quen với điều kiện thời tiết, đồng thời gần gũi gia đình và nhận được sự động viên lớn; sẽ thấy ấm lòng và càng nỗ lực hơn, cố gắng đạt thành tích cao nhất. Và vì vậy, SEA Games không phải chỉ thể thao mà còn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; khích lệ tình đoàn kết, sức mạnh tinh thần.