Luật quy định phải có các biện pháp bảo đảm an toàn tối đa cho trẻ em khi tham gia giao thông. (Ảnh: Linh Chi) |
Đây là bước tiến quan trọng nhằm phòng tránh tối đa các nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em sau hàng loạt vụ việc đau lòng đã xảy ra thời gian qua.
Bổ sung nhiều quy định an toàn
Một trong những điểm nhấn của Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ 2024 (sau đây gọi tắt là Luật), là các quy định liên quan đến trẻ em khi tham gia giao thông.
Luật quy định, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô mà không có người lớn ngồi cùng, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.
Khi chở trẻ em dưới 06 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em phía sau.
Riêng quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026 thay vì 01/01/2025 như các quy định còn lại trong Luật.
Luật cũng dành một điều với 6 khoản quy định cụ thể về bảo đảm TTATGT đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh.
Điều này bao gồm việc yêu cầu các xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non, phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh và cảnh báo chống bỏ quên trẻ em trên xe.
Quy định về độ tuổi và sức khỏe của người điều khiển phương tiện cũng được nêu rõ trong Luật, trong đó người đủ 16 tuổi trở lên mới được phép điều khiển xe gắn máy.
Quy định này nhằm bảo vệ an toàn tốt nhất cho trẻ em, bởi ở độ tuổi này, các em mới đủ kỹ năng và nhận thức pháp luật để sử dụng xe gắn máy một cách an toàn.
Luật cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT cho trẻ em.
Theo đó, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, cùng các cơ quan liên quan có trách nhiệm lồng ghép kiến thức pháp luật về TTATGT vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, từ mầm non đến phổ thông và nghề nghiệp.
Lực lượng Cảnh sát giao thông cũng có nhiệm vụ hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục, nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự giữ an toàn cho trẻ.
Sớm đưa quy định vào thực tế
Hệ thống quy định pháp luật về TTATGT cho trẻ em đang ngày càng được hoàn thiện căn cứ trên các yêu cầu và điều kiện thực tế.
Khi các quy định có hiệu lực, vấn đề tiên quyết đặt ra là phải bảo đảm thực thi các quy định này như thế nào cho đúng và hiệu quả, giải quyết các bất cập và kéo giảm tối đa các nguy cơ mất an toàn giao thông cho trẻ em.
Có thể thấy, hàng loạt tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ em thời gian qua đều có yếu tố sơ ý, chủ quan của người lớn.
Điển hình như các vụ bỏ quên trẻ em trên xe ô tô, phụ huynh để trẻ em ngồi phía trước hoặc đứng trên phần để chân của xe tay ga mà không tắt máy rồi để trẻ vô tình vặn ga gây tai nạn, phụ huynh giao xe máy cho con khi chưa đủ tuổi lái xe…
Như vậy, các quy định pháp luật muốn đi sâu vào cuộc sống đều đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng.
Đáng nói, tình trạng xe đạp điện và xe máy điện đang trở thành phương tiện phổ biến trong nhóm học sinh, cũng đặt ra nhiều thách thức.
Tại Hà Nội, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến các phương tiện này đang gia tăng, chủ yếu do người sử dụng thiếu kỹ năng và kiến thức an toàn giao thông.
Như vậy, ngoài công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định an toàn giao thông của trẻ em.
Bên cạnh đó, việc quản lý và kiểm soát chất lượng phương tiện cần được chú trọng hơn nữa.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến chất lượng phương tiện, nhằm tăng tính răn đe xã hội, bảo đảm an toàn tối đa, đặc biệt khi người sử dụng còn là trẻ em.