Sáng 10/12, tại Làng tái định cư Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) diễn ra hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn.
Chủ trì và điều phối hội thảo, có ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông; Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Đô (nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TP Hồ Chí Minh); Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Khoa dược - Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Hội thảo sân Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông ( Kon Tum) |
Hội thảo còn có sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Huy - Trưởng Khoa Dược, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cùng các hộ dân tham gia trồng và liên kết trồng sâm Ngọc Linh.
Thành lập Viện Nghiên cứu sâm Ngọc Linh
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, sâm Ngọc Linh là dược liệu quý của Việt Nam và thế giới, được xác định là bảo vật của Việt Nam, được phân bố tại Kon Tum, Quảng Nam. Huyện Tu Mơ Rông hiện đã trồng được 2.800ha sâm Ngọc Linh, lớn nhất nước. Trong 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa nghèo cho gần 2.000 hộ, giúp hàng trăm hộ làm giàu. Có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài sâm Ngọc Linh cũng có nhiều loại củ, sâm có vẻ ngoài tương tự như sâm Ngọc Linh. Điều này khiến người tiêu dùng khó nhận biết, phân loại, tạo cơ hội cho những kẻ xấu lừa đảo.
Do có giá trị rất cao trên thị trường, đã xảy ra các trường hợp rao bán sâm Ngọc Linh giả bằng những loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh. Người chịu thiệt đầu tiên là khách hàng khi bỏ số tiền lớn nhưng không mua đúng sản phẩm chất lượng, còn người trồng tâm huyết thì bị mang vạ.
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chủ trì hội thảo |
Tại hội thảo này, có 5 tham luận về sâm Ngọc Linh. Trong đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận trình bày tham luận về sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) về lịch sử, khoa học và thực tiễn. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức trình bày tham luận về xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tế. Phó Giám sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Huy sẽ trình bày tham luận kiểm nghiệm phân biệt sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu bằng phương pháp sắc ký - so sánh với phương pháp phân tích DNA. Bên cạnh đó, 2 hộ dân trồng và liên kết trồng sâm trình bày tham luận về thực tiễn trồng sâm.
Cùng với đó, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác và hỗ trợ thành lập Viện Nghiên cứu sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, giữa Công ty Cổ phần Vingin với nhóm nghiên cứu do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận (Hiệu trưởng trường Đại học Tây Đô) làm đại diện.
Nhóm nghiên cứu cũng ký kết với UBND huyện Tu Mơ Rông về nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác trong nước và ngoài nước.
Phát triển sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh
Tại hội thảo, ông Võ Trung Mạnh mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, người dân trồng sâm thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm thực tế trồng, chăm sóc sâm hiệu quả. Các biện pháp nâng tầm sâm Ngọc Linh. Các công trình nghiên cứu khoa học về giá trị sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác để người dân cả nước biết. Qua đó xây dựng ngành sâm bền vững, hướng đến sớm biến quốc bảo sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh.
Ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, người dân trồng sâm đã chia sẻ nhiều thông tin có giá trị về chăm sóc, quản lý, nâng tầm sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, hội thảo đã được các nhà nguyên cứu tin tưởng chọn công bố kết quả nghiên cứu giá trị sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, qua đó khẳng định giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh, giúp người dân yên tâm trồng, còn người tiêu dùng có thông tin chính thống để lựa chọn các loại sâm phù hợp với giá trị, chất lượng để chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
Tại Hội thảo đã ký kết các nội dung liên quan đến sâm Ngọc Linh, mở ra cơ hội lớn cho người trồng và cả ngành sâm. Cụ thể, việc ký kết hợp tác nghiên cứu hàm lượng hoạt chất của sâm Ngọc Linh qua các giai đoạn sẽ giúp phân biệt rõ hàm lượng saponin có trong cây sâm qua các năm phát triển, qua đó tiếp tục khẳng định, nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh, giúp người tiêu dùng yên tâm và hưởng lợi.
Những công trình nghiên cứu quý giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước công bố tại hội thảo, sẽ được huyện ghi nhận đầy đủ để báo cáo UBND tỉnh Kon Tum và công bố rộng rãi trên truyền thông, mạng xã hội để mọi người đều biết, qua đó có hướng phát triển sâm Ngọc Linh phù hợp, hiệu quả, giúp cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng quan trọng của huyện Tum Mơ Rông( Kon Tum) nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Phát biểu bế mạc, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, người dân trồng sâm đã chia sẻ nhiều thông tin có giá trị về chăm sóc, quản lý, nâng tầm sâm Ngọc Linh.
Đặc biệt, hội thảo đã được các nhà nguyên cứu tin tưởng chọn công bố kết quả nghiên cứu giá trị sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, qua đó khẳng định giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh, giúp người dân yên tâm trồng, còn người tiêu dùng có thông tin chính thống để lựa chọn các loại sâm phù hợp với giá trị, chất lượng để chăm sóc sức khỏe.