Hai vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) liên quan đến quyền của bị can trong quá trình tố tụng.
Bị can có quyền đọc, ghi chép tài liệu
Để đảm bảo quyền tự bào chữa của bị can, kể cả trường hợp bị can nhờ hoặc không nhờ người bào chữa thì kể từ khi kết thúc điều tra và khi có yêu cầu, họ có quyền đọc, ghi chép bản sao các tài liệu liên quan là cần thiết.
|
Ảnh minh họa |
Nhưng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để bảo đảm tính khả thi cần xác định rõ phạm vi các tài liệu và thời điểm bị can được đọc, ghi chép tài liệu đó; đồng thời để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp cần có quy định về việc bị can được quyền đọc tài liệu hồ sơ đã được số hóa.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB), UBTVQH đề nghị chỉnh lý Dự thảo theo hướng: Kể từ khi kết thúc điều tra, bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi họ có yêu cầu.
Nhận xét quy định bị can được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án là “một đổi mới quan trọng”. Tuy nhiên, ĐB Bạch Hương Thủy (Hòa Bình) quan ngại, nhiều vụ án hồ sơ, tài liệu rất nhiều, kéo theo phạm vi đọc rất rộng, vì thế “cần số hóa ngay sau khi quy định được thông qua để việc áp dụng thuận lợi”.
ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, việc chỉ cho bị can đọc tài liệu ở giai đoạn điều tra mà không cho đọc ở các giai đoạn tố tụng sau là không đầy đủ.
“Để đảm bảo thực hiện tốt quyền bào chữa, cần mở rộng việc đọc, ghi chép tài liệu đến cả bị can, bị cáo, người hạn chế năng lực hành vi thông qua người đại diện hợp pháp của họ”, ĐB Khánh đề nghị.
Trong khi đó, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) lại lưu ý cần giới hạn thời gian đọc. “Phiên tòa mở ra rồi bị cáo mới yêu cầu được đọc tài liệu, chả lẽ lại hoãn? Theo tôi, nên quy định trước 5 ngày phiên tòa mở, bị cáo không được đọc, sao chép tài liệu nữa để tránh bị lợi dụng”, ĐB Ánh đề xuất.
Lo ngại ghi âm, ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung là “không khả thi”
Liên quan đến quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, đa số ĐB đồng tình với quan điểm của UBTVQH đây là việc làm cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.
Cơ bản tán thành dự luật nhưng ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, nếu mọi trường hợp đều ghi âm, ghi hình thì không cần thiết và không khả thi.
Theo phân tích của ĐB Xuyền, vấn đề bức cung, nhục hình hiện nay chủ yếu do năng lực, phẩm chất của điều tra viên, vì vậy phải tăng cường giáo dục đạo đức, phẩm chất, nâng cao trình độ; tăng cường công tác thanh, kiểm tra và trách nhiệm của người đứng đầu là cần thiết.
Từ lập luận đó, ĐB Xuyền kiến nghị chỉ nên thực hiện ghi âm, ghi hình đối với các vụ án mà bị can kêu oan, hay có mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình, hoặc các vụ bị hủy án phải điều tra lại...
Những vụ đơn giản, người phạm tội bị bắt quả tang, đã thừa nhận hành vi phạm tội thì không cần thiết phải ghi âm, ghi hình. ĐB Trần Đình Sơn (Đắk Lắk) cho rằng, với điều kiện thực tiễn hiện nay thì việc thực hiện quy định này phải có lộ trình, chỉ nên ghi âm, ghi hình với các vụ án có tổ chức, xâm phạm an ninh quốc gia hoặc có biểu hiện oan sai.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) lưu ý thêm, Dự thảo cần quy định rõ cơ chế giám sát cũng như khi nào thì sử dụng ghi âm, ghi hình.
Trong trường hợp không ghi âm ghi hình, Tòa án có quyền được coi là vi phạm tố tụng và có phải điều tra lại không.Tuy nhiên, tại phiên thảo luận vẫn có ý kiến ĐB không đồng tình vì cho rằng nếu thực hiện quy định này sẽ kéo theo nguồn kinh phí rất lớn.