Sáng nay (1/3), tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (01/3/1906- 01/3/2016).
Lễ kỷ niệm được tổ chức tại khu tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đại diện các lãnh đạo của các Bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi.
|
Các đồng chí lãnh đạo mặc niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. |
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh ngày 01/3/1906 tại xã Đức Tân. Ông là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, suốt đời chiến đấu vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc nhân dân, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế, người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi.
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ôn lại cuộc đời chiến đấu và những đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong thời gian theo học ở Trường Quốc học Huế, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có những hoạt động yêu nước từ rất sớm. Trong những năm 1925-1926, khi học tại Trường Bưởi (Hà Nội), ông đã tham gia phong trào bãi khóa, đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá cụ Phan Bội Châu...
|
Đại diện thế hệ trẻ phát biểu tri ân cố Thủ tướng tại buổi Lễ kỷ niệm. |
Sau khi được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, đồng chí Phạm Văn Đồng xuất dương, rồi tham dự lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Cuối năm 1927, sau khi về nước và hoạt động ở Nam Kỳ, đồng chí Phạm Văn Đồng có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành tổ chức cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến tháng 7/1929, đồng chí Phạm Văn Đồng bị thực dân Pháp bắt rồi bị kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo.
Sau khi được trả tự do, vào năm 1936, ông ra Hà Nội hoạt động công khai. Đến tháng 5/1940, ông được Trung ương Đảng cử sang hoạt động ở Côn Minh (Trung Quốc) và bắt liên lạc với Nguyễn Ái Quốc. Năm 1942, khi trở về Cao Bằng hoạt động, đồng chí Phạm Văn Đồng là người có nhiều công lao trong quá trình vận động, tổ chức Mặt trận Việt Minh, tham gia xây dựng căn cứ địa Việt Bắc, chuẩn bị lực lượng và các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945.
Trong những năm hoạt động cách mạng, đặc biệt là từ sau năm 1945 đến năm 1987, ông được phân công giữ nhiều cương vị lãnh đạo cao cấp, nhiều trọng trách trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời của Thủ tướng là một tấm gương sáng về đức độ, tài năng, ý chí và nghị lực cách mạng. Trên cương vị nào ông cũng làm việc hết mình và để lại những dấu ấn sâu sắc. Thủ tướng là một nhà chính trị tài ba, nhà lý luận xuất sắc, nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm, nhà văn hóa lớn của đất nước, được đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế tin yêu, kính trọng.
|
Các đồng chí lãnh đạo trồng cây lưu niệm tại khu tưởng niệm cố Thủ tướng. |
Em Nguyễn Thị Bích Phương, sinh viên xuất sắc trường Đại học Phạm Văn Đồng, đại diện cho thế hệ trẻ bày tỏ cảm xúc: “Chúng em luôn ghi nhớ công ơn của bác Phạm Văn Đồng, một chính trị gia tài giỏi, một người tài năng của quê hương Quảng Ngãi, chúng em sẽ cố gắng phấn đấu, ra sức học tập thật tốt để góp một phần nhỏ cho quê hương”.
Dịp này, các đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Trần Đức Lương, Nguyễn Xuân Phúc đã trồng cây lưu niệm tại khu tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng