Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, nhất là vào thời điểm từ nay đến Tết dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Đây cũng là thời điểm các loại hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ dễ trà trộn vào thị trường, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP).
Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý ATTP tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm.
Tăng cường giám sát, kiểm tra
Thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với hàng trăm người mắc và đã có trường hợp tử vong.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong tháng 8/2024 cũng đã xảy ra vụ NĐTP với 154 người mắc, không có bệnh nhân tử vong.
Nguyên nhân xác định là vụ ngộ độc tập thể do ăn phải lượng Histamin cao có trong cá thu ù kho của bữa trưa ngày 28/8, tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam, Cụm công nghiệp Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy. Vụ NĐTP đã được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng song đây là hồi chuông cảnh báo về mối nguy không đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể, đặc biệt trong các khu, cụm công nghiệp, các trường học nội trú và bán trú.
Trước tình hình ATTP vẫn là nỗi lo, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể...
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thành lập 480 đoàn kiểm tra ATTP, trong đó có 4 đoàn tuyến tỉnh, 26 đoàn tuyến huyện, 450 đoàn tuyến xã.
Các đoàn đã kiểm tra 7 UBND/Ban chỉ đạo liên ngành ATTP cấp xã; 4.284 cơ sở thực phẩm, trong đó có 479 cơ sở sản xuất, 1.828 cơ sở kinh doanh, 1.378 cơ sở dịch vụ ăn uống, 134 bếp ăn tập thể và 465 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Chi cục ATVSTP kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Việt Trì. |
Qua kiểm tra thực tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ghi nhận có 93,7% cơ sở đạt tiêu chuẩn ATTP, 6,3% cơ sở có vi phạm.
Các vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang, thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người, ghi nhãn thực phẩm và chất lượng sản phẩm thực phẩm...
Những cơ sở vi phạm đã được lực lượng chức năng xử phạt và yêu cầu khắc phục, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với số tiền xử phạt 152 triệu đồng.
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có gần 10.000 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của ngành Y tế, trong đó chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, quy mô gia đình.
Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, cuối năm, tình trạng buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc có chiều hướng gia tăng.
Các cơ quan chức năng thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389) đã chủ động vào cuộc, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề ATTP.
Ông chí Lê Hùng - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh khẳng định, công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về ATTP luôn được lực lượng QLTT trên địa bàn toàn tỉnh chú trọng.
Trong 9 tháng của năm 2024, các lực lượng chức năng đã xử lý 137 hành vi vi phạm về ATTP, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 700 triệu đồng, buộc tiêu hủy 23.000 đơn vị sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và gần 800kg sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP.
Các vi phạm hành chính trong lĩnh vực này chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa quá hạn sử dụng; vận chuyển động vật chết, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, ATTP để kinh doanh; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang trong khu vực sản xuất thực phẩm; không thực hiện lưu mẫu thức ăn; thực hiện lưu mẫu thực phẩm không đủ lượng mẫu, thời gian lưu theo quy định; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải...
Từ kết quả xử lý và số liệu thống kê cho thấy, thực trạng ATTP hiện nay vẫn là vấn đề cấp thiết, cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng nhằm siết chặt công tác quản lý, góp phần hạn chế tình trạng NĐTP.
Đẩy mạnh công tác quản lý
Xác định việc đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, được toàn xã hội quan tâm, các cơ quan chức năng đã vào cuộc đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở.
Là cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, Chi cục ATVSTP đã làm tốt vai trò tham mưu cho Sở Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh trong công tác lãnh, chỉ đạo, chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, điều hành về công tác ATTP trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng QLTT phối hợp với Phòng CSGT, Công an tỉnh phát hiện, xử lý phương tiện vận chuyển 120kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ tại phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì. |
Ông Điêu Quang Đạo - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: "Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tham mưu, ban hành các văn bản về ATTP theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế yêu cầu về công tác quản lý.
Tiếp tục triển khai, giám sát, kiểm soát ATTP; thành lập các đoàn kiểm tra theo phân cấp quản lý; khi phát hiện vi phạm xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều và có yếu tố nguy cơ cao như tại các làng nghề, cơ sở kinh doanh tại các chợ, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm...".
Cùng với đó, hoạt động giám sát ATTP được chú trọng, đặc biệt tại các sự kiện chính trị, văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm ATTP như: Kiểm tra, hậu kiểm về chất lượng ATTP; kiểm tra điều kiện sản xuất, cơ sở chế biến, nhân viên làm việc tại các cơ sở chế biến, kinh doanh...
Phối hợp cùng các lực lượng chức năng và cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP. Nội dung tuyên truyền nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm, xác định nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ ATTP trong chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”; không để thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn được sử dụng, đồng thời tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật trong sơ chế, chế biến, nấu nướng, bảo quản, vận chuyển và ăn uống.
Cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cần chủ động nâng cao trách nhiệm, tạo lòng tin đối với khách hàng để bảo vệ sức khỏe cho người dân, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, người tiêu dùng cần hình thành thói quen, ý thức trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, trở thành “người tiêu dùng thông thái”.