Mặc dù phóng viên đã liên hệ nội dung công tác cụ thể, xuất trình giấy giới thiệu, giấy tờ tùy thân nhưng ông Nguyễn Khắc Vĩnh - Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) vẫn khăng khăng không có thẻ nhà báo thì không hợp pháp để làm việc.
|
Ông Nguyễn Khắc Vĩnh - Phó Chánh án TAND huyện Thanh Sơn cho rằng phóng viên tác nghiệp phải có thẻ nhà báo mới làm việc, còn giấy giới thiệu không đủ điều kiện tác nghiệp. |
Hẹn lên làm việc rồi bất hợp tác
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của gia đình bà Cao Thị Hà (xã Địch Qủa, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) về bản án sơ thẩm số 01/2019/DS-ST, ngày 21/2/2019 của TAND huyện Thanh Sơn bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng, vi phạm các quy định tố tụng dân sự. Không xem xét kỹ các tài liệu, hồ sơ của bị đơn và nguyên đơn cung cấp có dấu hiệu sửa chữa, sai lệch hồ sơ tài liệu gốc.
Để làm rõ việc này, ngày 20/3/2019, phóng viên đã đến liên hệ làm việc TAND huyện Thanh Sơn. Tại đây, bộ phận văn phòng tòa án đã tiếp nhận giấy giới thiệu, nội dung làm việc. Đồng thời, thông báo cho phóng viên biết sẽ báo cáo Chánh án và liên hệ lại sau.
Ngày 21/3/2019, văn phòng tòa án huyện Thanh Sơn liên hệ với phóng viên thông báo việc Chánh án TAND huyện Thanh Sơn đã sắp xếp lịch làm việc với vào sáng ngày 26/3/2019.
10h sáng ngày 26/3/2019 phóng viên đến trụ sở TAND huyện Thanh Sơn để bắt đầu buổi làm việc. Tiếp phóng viên, ông Nguyễn Khắc Vĩnh - Phó Chánh án TAND huyện Thanh Sơn cho biết, ông được Chánh án phân công làm việc với phóng viên. Tuy nhiên, khi bắt đầu vào làm việc cụ thể, ông Vĩnh không đồng ý cung cấp bất cứ thông tin nào với lý do phóng viên không có thẻ nhà báo thì không đủ điều kiện làm việc.
“Cái này theo quy định của Luật Báo chí em chỉ phải cần trình thẻ nhà báo là đủ điều kiện làm việc với anh. Ở đây em chỉ có giấy giới thiệu thì không được. Vậy thôi! Hẹn em khi khác thôi”, Phó Chánh án TAND huyện Thanh Sơn nói.
Khi phóng viên lý giải việc thẻ nhà báo đang chờ cấp, đổi mới. Tuy nhiên, tòa soạn đã cấp giấy giới thiệu với nội dung cụ thể, phóng viên cũng đã liên hệ làm việc trước để có buổi hẹn làm việc như ngày hôm nay. Thế nhưng, Phó Chánh án TAND huyện Thanh Sơn vẫn khăng khăng không có thẻ nhà báo thì không làm việc.
Đồng thời, ông Vĩnh còn trích dẫn điểm C, khoản 2, Điều 25 Luật Báo chí 2016 rằng: “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo” để chứng minh cho luận điểm Giấy giới thiệu làm việc không có giá trị, chỉ có thẻ nhà báo mới có giá trị.
Phóng viên cố gắng lý giải thêm cho Phó Chánh án TAND huyện Thanh Sơn hiểu việc Giấy giới thiệu có nội dung làm việc cụ thể, có giá trị pháp lý cho phóng viên tác nghiệp. Thế nhưng Phó Chánh án vẫn quả quyết: “Luật chỉ quy định việc có thẻ nhà báo là đủ điều kiện làm việc chứ không quy định việc có giấy giới thiệu”.
Thiếu hiểu biết hay cản trở báo chí tác nghiệp?
Trao đổi với phóng viên về sự việc nêu trên, luật sư Vũ Văn Biên – Phó giám đốc Công ty luật Khoa Tín cho biết: “Theo Luật Báo chí 2016. Đối với trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo, tuy trong Luật không quy định cụ thể, nhưng thực tế thì cơ quan báo chí có thể cấp giấy giới thiệu để phóng viên đi tác nghiệp. Việc không chấp nhận giấy giới thiệu hợp pháp, với mục đích tác nghiệp hợp pháp, là hành vi cản trở báo chí hoạt động.
Vấn đề này đã được điều chỉnh bởi quy định tại khoản 12, Điều 9 Luật Báo chí 2016: Nghiêm cấm các hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Với lý giải tương tự, trong Nghị định 159, danh xưng “phóng viên” được đặt bên cạnh danh xưng “nhà báo” và được bảo vệ như nhau trước những hành vi cản trở trái pháp luật, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu.
Thực tế, phóng viên chưa có thẻ nhà báo (phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu) vẫn được bảo vệ các quyền lợi khi tác nghiệp. Ngay từ Nghị định 159/2013/NĐ-CP, ký ngày 12/11/2013, có hiệu lực vào ngày 1/1/2014, đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ Nhà báo. Tại điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy đinh rõ các mức xử phạt khi cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp.
Vì vậy, Nghị định 159, danh xưng “phóng viên” được đặt bên cạnh danh xưng “nhà báo” và được bảo vệ như nhau trước những hành vi cản trở trái pháp luật, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu… Do đó, phóng viên khi chưa có thẻ nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật (có giấy giới thiệu) vẫn sẽ được bảo vệ quyền khi tác nghiệp”.
Như vậy, việc ông Nguyễn Khắc Vĩnh - Phó Chánh án TAND huyện Thanh Sơn không làm việc với phóng viên phải chăng là thiếu hiểu biết pháp luật, ngăn cản phóng viên tiếp cận thông tin, tài liệu liên quan đến bản án sơ thẩm 01/2019 do chính ông làm chủ tọa phiên tòa (!?).
Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định: “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này; b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này”. |