Việc đảm bảo an toàn và tạo nét văn hóa trong khu vực Phủ được Ban tổ chức đặt lên hàng đầu. Những ngày xuân mới, lực lượng an ninh sẽ được tăng cường từ 20 lên 45 người, bố trí hoạt động 24/24. Bên cạnh việc tuyên truyền trên loa phát thanh, công khai dán ảnh số đối tượng trộm cắp, móc túi từng bị bắt để cảnh báo người dân, lực lượng cảnh sát hình sự được chỉ đạo tăng cường tuần tra bí mật, theo dõi, phát hiện các đối tượng nghi vấn qua hệ thống camera giám sát đặt ở nhiều nơi. Song song, Phủ Tây Hồ thực hiện chiến dịch "6 không” làm trong sạch mùa lễ hội.
Dẹp nạn móc túi, ăn mày, sư giả
Việc đi lễ cầu phúc đầu năm đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp của người Việt. Trong rất nhiều điểm đến của Hà Nội, phủ Tây Hồ vẫn luôn là điểm thu hút rất đông người dân đến cầu phúc đầu năm mới. Ngay từ phút giao thừa, phủ Tây Hồ luôn đông nghẹt người đến để cầu may mắn, xin tài, xin lộc. Theo tính toán của Ban quản lý Phủ Tây Hồ, mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt khách thăm quan. Ông Trương Công Đức- Trưởng Ban quản lý Phủ cho biết: “Tết năm nào Phủ cũng rất đông khách tới đi Lễ, từ ngày 1 đến ngày mùng 3 Tết thì đa số là người Hà Nội, từ mùng 5 Tết khách thập phương lại đổ về khiến đường đông hơn… phải đến hết tháng Giêng, lượng khách tham quan mới giảm bớt”.
|
Phủ Tây Hồ và chiến dịch 6 không |
Đây cũng là thời điểm bọn “đạo chích” thường xuyên tìm đến “làm ăn”. Việc đảm bảo an toàn và tạo nét văn hóa trong khu vực Phủ được Ban tổ chức đặt lên hàng đầu. Cảnh sát mặc sắc phục năm nay chỉ làm nhiệm vụ ở vòng ngoài Phủ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Còn lại, hàng chục trinh sát hóa trang được “ẩn” vào vòng trong để có thể tiếp cận được ngay số đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội. Anh em được quán triệt, không chờ đợi đối tượng gây án xong mới bắt giữ. Nếu phát hiện trường hợp khả nghi, trinh sát kiểm tra hành chính ngay. Biện pháp này giúp phòng ngừa hiệu quả tội phạm, răn đe từ xa số đối tượng có ý định trộm cắp, móc túi.
Sự nâng cao cảnh giác này góp phần giảm nạn trộm cắp, móc túi. Theo ông Trương Công Đức, mùa lễ hội năm 2015, chỉ có 5 vụ móc túi trong khoảng 300 nghìn lượt khách thập phương tới Phủ Tây Hồ. Đây là con số quá ít so với biển người tới Phủ.
Phòng chống cháy nổ, Ban quản lý hạn chế tối đa khách thập phương thắp hương, thắp nến, mang đồ mã, kinh sách đặt lên bàn thờ.
|
Không đặt mã, đốt nến tại ban thờ |
Để du khách đi lễ thảnh thơi, Ban Quản lý Phủ Tây Hồ đã cương quyết thực hiện chiến dịch…“6 không”. Ông Trương Công Đức cho hay: “Ban quản lý chúng tôi luôn đặt sự linh thiêng, trang nghiêm của Phủ lên hàng đầu và coi trọng sự an toàn của khách thập phương. Bởi vậy ở trong Phủ không xóc quẻ, không cờ bạc trá hình, không khấn thuê, không cúng mã, không cho thuê đồ cúng lễ, không ăn mày, sư giả”.
|
Thắt chặt an ninh ở Phủ Tây Hồ mùa lễ hội |
Những năm gần đây, Phủ Tây Hồ không còn bóng dáng của những kẻ ăn mày hay giả sư khất thực xin tiền. Nếu như ở nhiều nơi thờ tự khác, sách tử vi, tướng số còn bày bán, cảnh xóc quẻ, lên đồng, cờ bạc trá hình vẫn tồn tại thì ở trong Phủ tuyệt nhiên không có. Nội qui ở đây là cấm những du khách đến vãn cảnh thắp nhang ăn mặc thiếu lịch sự (áo sát nách, quần đùi hoặc có thái độ đùa cợt) trước chốn linh thiêng.
BOX: Con đường vào phủ Tây Hồ (Hà Nội) chỉ 200 m nhưng có đến vài chục gian hàng ăn, bán đồ lễ chèo kéo khách thập phương. Trả lời về tình trạng lộn xộn ấy, ông Trương Công Đức cho hay: “Chúng tôi phụ trách trông coi từ cổng Phủ vào trong, còn bên ngoài, việc người dân được phép buôn bán quanh lối vào Phủ cũng như đảm bảo trật tự ngoài cổng lại thuộc về UBND phường Quảng An quản lý. Chúng tôi rất mong muốn con đường vào Phủ sẽ “sạch” hơn để “Ai về, ai nhớ vẫn thơm tho” ( Thơ Tản Đà). |
Không đốt vàng mã, tăng cường thiện nguyện
Để hạn chế việc bẻ cành lấy lộc, những năm gần đây, ngày Tết, Phủ Tây Hồ đóng cửa từ rất sớm. “6 giờ chiều các ngày Tết, chúng tôi đã đóng của Phủ, 5 giờ sáng hôm sau mở cửa đón khách thập phương. Sở dĩ đóng cửa sớm, bởi chúng tôi rất sợ những người thiếu ý thức trèo cây, bẻ cành xin lộc nhất là đêm Giao thừa, đêm 1, 2 Tết. Mà “cụ” si cổ thụ hơn 250 tuổi ở trong Phủ lại được vinh danh là Cây di sản nên chúng tôi phải giữ gìn”. Rất nhiều khách thập phương tới khi Phủ đóng cửa đã không nề hà khấn vọng bên ngoài.
Đốt vàng mã tràn lan và hoang phí như hiện nay là một biến tướng của lối sống thực dụng thời kinh tế thị trường. Ông Trương Công Đức nhấn mạnh: “Trong khi chính phủ đang kêu gọi toàn dân tiết kiệm, chỉ vì mê tín dị đoan, người dân lại đang tay đốt số tiền hàng trăm tỉ đồng- số tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Với số ấy, chúng ta có thể xây thêm nhiều trường học, nhiều mái nhà cho những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hay những trẻ em lang thang cơ nhỡ, lo thuốc men cho trẻ tàn tật…” Từ nhiều năm nay, Ban Quản lý Phủ Tây Hồ nghiêm cấm việc lên đồng, hầu bóng, đốt mã, xóc thẻ, xem bói, bán sách mê tín dị đoan. Mỗi khách thập phương chỉ được thắp một nén nhang. Từ việc làm thiết thực đó, Phủ Tây Hồ luôn đi đầu việc tiết kiệm và chống mê tín dị đoan. Đặc biệt, mỗi năm, Phủ Tây Hồ đã dành gần 100 triệu đồng để hỗ trợ người nghèo, nhân dân trong vùng thiên tai, bão lụt, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam…