Cách đây hơn 10 năm, ngày 19.4.2008, vệ tinh thương mại đầu tiên của Việt Nam Vinasat 1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Tiếp bước thành công, 4 năm sau, Vinasat 2 bay lên quỹ đạo. Với việc phóng thành công 2 vệ tinh lên quỹ đạo đã ghi dấu sự kiện lịch sử của ngành viễn thông, đánh dấu việc Việt Nam có chủ quyền trên quỹ đạo không gian.
|
Với việc phóng thành công 2 vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2, Việt Nam đã xác lập chủ quyền trên không gian, đưa ngành viễn thông, công nghệ thông tin cất cánh. Ảnh: PV |
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hồ Công Lâm - Giám đốc Ban Phát triển mạng quốc tế của TCty Hạ tầng mạng (thuộc VNPT) - chia sẻ, quỹ đạo vệ tinh là tài nguyên có hạn và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chỉ chấp nhận đăng ký theo nguyên tắc ai đến trước được đăng ký trước, người đến sau không được gây can nhiễu cho người đến trước và cũng không có luật nào buộc các nước phải có tinh thần hợp tác nên quá trình đàm phán phối hợp quỹ đạo với đối tác các nước rất khó khăn và kéo dài. Việt Nam phải thực hiện các thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo và phối hợp tần số từ năm 1996 và phải đàm phán thỏa thuận với 27 quốc gia.
Sau hơn 10 năm thực hiện các thủ tục phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh hết sức phức tạp, đầu năm 2008, về cơ bản Việt Nam đã hoàn thành phối hợp với các mạng vệ tinh xung quanh vị trí quỹ đạo 132E để sẵn sàng phóng vệ tinh Vinasat 1. Để giành được tần số và vị trí quỹ đạo cho vệ tinh Vinasat 1, Việt Nam không chỉ ứng dụng mà còn trực tiếp tham gia xây dựng và đấu tranh tại các diễn đàn quốc tế để hiện thực hóa các dự án vệ tinh.
Đối với băng tần C mở rộng đường xuống của Vinasat 1, khi triển khai dự án vệ tinh, các chuyên gia tư vấn quốc tế khẳng định việc sử dụng rất khó khăn, kích thước antenna đài trái đất lên đến 3,5m. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ mã hóa hiện đại (Turbo Code) Vinasat 1 đang cung cấp tốt dịch vụ trên băng tần C - mở rộng với đường kính antenna chỉ có 2,4m. Một số vấn đề liên quan tới kỹ thuật như yêu cầu của ITU đối với băng tần đường lên của Vinasat 1 Việt Nam cũng đã mất rất nhiều công sức đấu tranh để đạt được một nghị quyết riêng.
Xác lập chủ quyền không gian
Sau thành công của Vinasat 1, VNPT đã hoàn thành triển khai dự án đầu tư và phóng thành công vệ tinh Vinasat 2 vào quỹ đạo vào lúc 5h13 ngày 16.5.2012, tại phòng điều khiển Trung tâm Vũ trụ Châu Âu. Vinasat 2 do Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất, sử dụng công nghệ khung A2100A. Việc phóng thành công Vinasat 2 vào thời điểm đó đã đưa Việt Nam là một trong 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phóng thành công và sở hữu vệ tinh địa tĩnh; khẳng định chủ quyền không gian vệ tinh của Việt Nam; chiếm lĩnh các quỹ đạo địa tĩnh quan trọng, thiết yếu. Thông qua vệ tinh địa tĩnh, Việt Nam kiểm soát chặt chẽ được chủ quyền không gian của đất nước và có khả năng quét một số vùng không gian của một số khu vực trên thế giới; góp phần vào việc cung cấp dịch vụ của Việt Nam cho các nước thông qua dịch vụ vệ tinh. “Việc vận hành vệ tinh Vinasat 1 và 2, Việt Nam đã tự chủ được thông tin vệ tinh của mình trong phát thanh truyền hình, viễn thông và nhất là an ninh quốc phòng, bởi vì chúng ta không thể sử dụng vệ tinh của nước ngoài để bảo vệ an ninh quốc phòng Việt Nam” - đại diện lãnh đạo VNPT cho biết.
Nói về hiệu quả mà vệ tinh mang tới, lãnh đạo VNPT cho biết, các nước trước đây độc quyền về cho thuê dịch vụ vệ tinh, khi Việt Nam phóng thành công vệ tinh, họ phải giảm giá cho Việt Nam; mức giảm trung bình khoảng từ 50-70%. Còn ông Hồ Công Lâm khẳng định, sự kiện phóng vệ tinh Vinasat 1 được coi là bước đầu thực hiện giấc mơ không gian của Việt Nam, phát triển mở rộng, hình thành mạng lưới viễn thông đồng bộ từ hệ thống cáp quang, hệ thống vô tuyến đến hệ thống thông tin vệ tinh, đảm bảo thông tin liên lạc luôn được thông suốt trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết.
Tính đến giữa năm 2017, VNPT đã khai thác trên 95% dung lượng của Vinasat 1 và hơn 60% dung lượng của Vinasat 2. Đây là nỗ lực của VNPT trong bối cảnh thị trường có sự cạnh tranh gay gắt về giá giữa các nhà khai thác trong khu vực.