Tôi cho rằng việc này là cách ứng xử rất nhân văn của người dân Sài Gòn chứ không phải là “không văn hóa”.
|
Một đám cưới ở Bạc Liêu, đãi buổi trưa. Ảnh: Võ Anh Tuấn. |
Phát biểu trên báo Tuổi Trẻ về hiện tượng “giờ dây thun” trong các đám cưới ở Sài Gòn, PGS.TS Phan An (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) cho rằng tình trạng đám cưới trễ giờ như hiện nay “là do cách tổ chức trong đám cưới ngày càng thiếu tôn trọng con người, với tư tưởng lệch chuẩn, mang tính chất kinh tế trong ứng xử, một biểu hiện không có văn hóa”.
Tôi cho rằng việc này là cách ứng xử rất nhân văn của người dân Sài Gòn chứ không phải là “không văn hóa”.
Sớm, trễ tùy đối tượng khách
Tôi có dịp dự đám cưới ở Sài Gòn và một số tỉnh thành khác. Xin kể ra đây hai nơi và so sánh với lệ "giờ dây thun" ở Sài Gòn để thấy rằng mọi thứ đều tuân theo quy luật khách quan và người dân Sài Gòn đã xử lý khá nhân văn chứ không phải là "không tôn trọng thời gian", "không có văn hoá".
Một đám cưới ở Thủ Dầu Một (Bình Dương). Cô dâu chú rể là công nhân của một công ty trong khu công nghiệp. Mời khách 11h30 thì đúng 11h30 khách có mặt, không còn trống bàn nào. Tôi buột miệng khen dân ở đây tác phong tốt. Một người địa phương cho biết nếu 12h00 mới đến thì chỉ có nước... rửa chén. Lý do là mọi người (khách) còn phải đi làm buổi chiều. Thời gian dự tiếc khá gấp rút.
Một đám khác ở TP Bạc Liêu, cô dâu chú rể là viên chức nhà nước. Đám đãi hai buổi. Buổi trưa ở nhà hàng dành cho khách là công chức nhà nước. Buổi tối tại nhà dành cho láng giềng.
Buổi ở nhà hàng, đúng 12h30 tiệc tàn. Trong vòng 10 phút ở thời điểm này, quay đi quay lại khách đã về hết. Hỏi sao mọi người "rút" nhanh vậy? Chủ tiệc trả lời: Chiều họ còn phải đi làm. Hỏi sao không đãi họ buổi tối cho thư thả thì câu trả lời là không phải ai cũng ở nội ô nên buổi tối bất tiện đường về. Chủ tiệc cho biết thêm đám cưới viên chức nhà nước ở thành phố ấy thường đãi buổi trưa như vậy cho tiện với khách.
Buổi tối đãi ở nhà, vùng nội ô. Thiệp mời 17h00. Lần lượt từng tốp, từng tốp khách đến trải dài từ 17h00 đến 19h30, có trường hợp còn trễ hơn. Chủ tiệc khá vất vả. Cứ số lượng người đủ bàn là chủ tiệc cho lên thức ăn. Phần nghi lễ vẫn cứ tiến hành đúng giờ đẹp của gia chủ, phần tiệc cứ dọn lên tuỳ theo lượt khách đến. Tàn tiệc khoảng 22h00, không tính trường hợp người nhà cà kê với nhau.
Giải pháp tối ưu của cư dân Sài Gòn
3 buổi tiệc nói trên có thể chia thành hai nhóm: Nhóm 1 dự tiệc để chúc mừng tân hôn là chính, và nhóm 2 vừa chúc mừng tân hôn vừa gặp gỡ thân tình giữa khách với nhau.
Có điều kiện thì tổ chức được 2 buổi như đám ở Bạc Liêu nói trên. Nhưng như thế là khá rình rang. Còn không có điều kiện thì tổ chức 1 buổi như đám ở Bình Dương nói trên. Nhưng như thế thì tiệc đơn thuần chỉ là ăn uống mà thiếu đi phần gặp gỡ giữa những người khách vốn là thân sơ mà ít có dịp gặp gỡ.
Đám cưới ở Sài Gòn, vừa muốn khách được gặp gỡ nhau vừa muốn không rình rang mất thời gian và mệt mỏi gia chủ thì phải làm sao? Nói khác đi, họ muốn đạt được mục tiêu như mô hình đám cưới như ở Bạc Liêu mà chỉ muốn gói gọn trong một buổi thì phải làm sao?
Ở Sài Gòn, các đám cưới tổ chức buổi tối, thông thường thiệp mời ghi rõ là đón khách từ 17h00, khai tiệc 19h00. Đây có lẽ là giải pháp tối ưu đáp ứng được mục đích trên.
Ai muốn gặp gỡ thân thích thì đi sớm, từ 17h00. Còn không thì 19h00 đến vẫn được.
Một số đám có thể vì lý do này nọ mà đẩy lùi xuống 19h30 mới làm lễ thì cũng có lý do để hiểu được.
Ứng xử như vậy là nhân văn chứ sao bảo là vô văn hoá được nhỉ?