Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Chị H.Y (ở Đông Anh, Hà Nội) hỏi: Vừa qua Công ty tôi tổ chức cho cán bộ nhân viên đi dã ngoại, trên chuyến xe ô tô đến nơi dã ngoại tôi bị anh X - một nam đồng có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục. Hôm sau, tôi đã có đơn tố cáo gửi đến lãnh đạo Công ty, đề nghị xử lý anh X nhưng lãnh đạo công ty cho rằng hành vi của anh X xảy ra ngoài nơi làm việc của Công ty nên không xử lý kỷ luật mà chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Điều này khiến tôi cảm thấy ấm ức, không thoả đáng; trong khi người sàm sỡ tôi còn tỏ rõ thái độ thách thức tôi.
Xin hỏi việc lãnh đạo Công ty trả lời như trên có phù hợp với quy định của pháp luật không?
Luật sư Vũ Thị Thu Hường (Giám đốc Công ty Luật E&D, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) tư vấn: Khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”.
|
Luật sư Vũ Thị Thu Hường (Giám đốc Công ty Luật E&D, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) |
Khoản 3 Điều 84, Nghị định 145/2020-ND-CP quy định: “Nơi làm việc quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định”.
Như vậy, đối chiếu với tình huống mà chị H.Y xin tư vấn, việc Công ty thuê xe tổ chức cho cán bộ, công nhân viên đi dã ngoại, và anh X đã có hành vi quấy rối tình dục đối với chị Y trên xe ô tô này, địa điểm mà anh X thực hiện hành vi quấy rối tình dục ở đây được coi là “địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn” theo hướng dẫn tại Nghị định 45/2020 nói trên, và địa điểm này được coi là nơi làm việc.
Do đó, có căn cứ để xem xét và xử lý kỷ luật lao động đối với anh X theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo Công ty trả lời như vậy là không đúng quy định của pháp luật, chị Y có thể khiếu nại về vấn đề này.