Quyền hình ảnh của công dân được pháp luật dân sự bảo hộ, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, nếu không có thể bị coi là xâm phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh, xâm phạm bí mật đời tư...
|
(ảnh minh hoạ). |
Bạn đọc Hoàng Anh (ở Hà Nội) hỏi: Tuần trước, trong lúc đi xem bóng đá tôi có chụp bức ảnh trên khán đài và đăng bài trên nhóm cộng đồng dân cư nơi tôi ở, không ngoài mục đích “sống ảo”. Thật tình cờ. trong khuôn hình hôm đó lại anh H. bên cạnh cô đồng nghiệp cũng đi xem trận này, góc ảnh thể hiện họ có vẻ khá thân mật. Tôi hoàn toàn không biết cho đến khi thấy bài đăng được nhiều lượt chia sẻ, bình luận xôn xao... Lập tức anh H. nhắn tin yêu cầu tôi gỡ bài đăng, xoá ảnh và phải đăng bài xin lỗi anh ta vì anh H cho rằng bị tôi chơi xấu.
Tôi khẳng định mình hoàn toàn không có động cơ mục đích chơi xấu nên sẽ không xóa ảnh, gỡ bài và xin lỗi anh ta. Nhưng anh ta dọa nếu tôi không thực hiện những yêu cầu đó thì anh ta sẽ kiện tôi về hành vi xâm phạm quyền riêng tư khi sử dụng hình ảnh cá nhân của anh ta mà không xin phép.
Xin hỏi trong trường hợp này hành vi của tôi có vi phạm pháp luật hay không?
|
Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Trưởng Văn phòng Luật sư Hằng Nga, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) |
Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Trưởng Văn phòng Luật sư Hằng Nga, số 433 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) trả lời: Quyền hình ảnh của công dân được pháp luật dân sự bảo hộ, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, nếu không có thể bị coi là xâm phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh, xâm phạm bí mật đời tư...
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 tại Điều 32 có quy định về quyền của cá nhân với hình ảnh, cũng như quy định về việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.
Cụ thể Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền cá nhân đối với hình ảnh như sau:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga phân tích cụ thể: Đối chiếu với tình huống của bạn, việc bạn đăng bức ảnh các khán giả đang xem bóng đá trên khán đài thì được coi là hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng theo Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 nên việc chụp và đăng tải thuộc trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 32 BLDS quy định được sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Thứ nhất, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Thứ hai, hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Việc bạn chụp ảnh và đăng tải bức ảnh không nhằm mục đích làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh... nên không vi phạm pháp luật.