Lễ hội đang là một hướng phát triển du lịch bền vững của Việt Nam. (Ảnh: Khai mạc Lễ hội “Tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024” - BBĐ) |
Tạo dựng những điểm đến độc đáo
Du lịch khám phá văn hóa bản địa đang là xu hướng trong những năm gần đây. Trong mùa du lịch hè, Việt Nam đã có rất nhiều lễ hội được tổ chức đem đến không gian độc đáo, xây dựng thương hiệu cho những điểm đến.
Như 5 ngày từ 12/7 đến 16/7 vừa qua, Lễ hội Sen Hà Nội 2024 lần đầu tổ chức thu hút hàng nghìn người tới tham dự. Với chủ đề “Sắc sen Hà Nội”, năm nay, Lễ hội hướng đến việc tôn vinh giá trị văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội và loài hoa sen bách diệp Tây Hồ.
Trong khuôn khổ Lễ hội, có rất nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức, như trình diễn nghệ thuật bán thực cảnh, quầy hàng thưởng thức trà sen, khám phá văn hóa, ẩm thực, sản phẩm OCOP đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham gia.
Ngoài ra, Lễ hội còn có các hoạt động tập thể như hành trình đạp xe với 7 nghìn người tham gia và 1 nghìn người cùng mặc áo dài in họa tiết hoa sen đã đem đến trải nghiệm thú vị cho khách tham quan.
Tại Bình Định, Lễ hội Tinh hoa đất biển 2024 đã được khai mạc từ ngày 11/7, với không gian rực rỡ sắc màu. Lễ hội có những tiết mục nghệ thuật gắn liền với lịch sử mảnh đất và đặc trưng miền biển như các bài ca về biển, tiết mục múa được lấy cảm hứng từ cá ngừ - loài cá đặc trưng của Bình Định.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Lễ hội, các gian hàng ẩm thực với món hải sản như bánh xèo nhân cá ngừ đại dương, tôm, mực, bánh ít lá gai... đã thu hút sự chú ý của đông đảo du khách.
Ở Đà Nẵng, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 vừa chính thức khép lại với hàng chục nghìn du khách từ khắp các nước trên thế giới đến tham dự.
Suốt một tháng, cứ vào ngày cuối tuần, tại sông Hàn (Đà Nẵng) lại sáng rực, lung linh màu sắc của pháo hoa. Sau 12 lần tổ chức, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã trở thành thương hiệu đặc trưng của thành phố này, quy tụ nhiều nước lớn trên thế giới đến tham gia.
Từ thực tế các lễ hội được tổ chức vào mùa du lịch hè năm nay có thể thấy, các tỉnh, địa phương đã chọn ra được những chủ đề gắn liền với đặc trưng của vùng đất. Từ đó tạo nên các lễ hội đặc sắc, không trùng lặp, gây dựng thương hiệu cho những điểm đến.
Như Lễ hội Sen Hà Nội 2024 chọn biểu tượng sen là chủ đề chính, Lễ hội Tinh hoa đất biển 2024 của Bình Định lấy chủ đề cá ngừ và biển làm trọng tâm.
Phát triển du lịch bền vững từ những lễ hội
Một trong những xu hướng nổi bật của du lịch toàn cầu hiện nay là du lịch bền vững và có trách nhiệm. Phát triển du lịch không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và tạo sinh kế cho cộng đồng, mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của điểm đến.
Phát triển du lịch lễ hội đang là hướng đi mở ra nhiều cơ hội cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng bền vững.
Việt Nam xác định du lịch văn hóa là một dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Vì vậy, du lịch gắn liền với lễ hội là sản phẩm bổ trợ, nổi bật và hấp dẫn, nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Theo khảo sát của trang Booking, số lượt tìm kiếm cơ sở lưu trú của các gia đình Việt Nam cho kỳ nghỉ hè năm 2024 đã tăng 15% so với năm ngoái. Những địa điểm du lịch với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, cơ hội khám phá lịch sử địa phương và trải nghiệm văn hóa là lựa chọn hàng đầu của các gia đình.
Cô Nguyễn Thị Toản (60 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi và gia đình đã có những trải nghiệm thú vị tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 trong những ngày vừa qua. Ban đầu, chúng tôi định lưu trú khoảng bốn ngày rồi ra về, nhưng mong muốn được xem chung kết pháo hoa giữa các nước, nên gia đình đã ở lại thêm vài ngày nữa”.
Cũng nhờ những lễ hội, rất nhiều công ty, doanh nghiệp được dịp quảng bá sản phẩm OCOP địa phương chất lượng đến khách du lịch. Đại diện Công ty Bometa, tỉnh Nghệ An, chị Hà Thị Nguyên cho biết: “Năm nay, tại Lễ hội Sen Hà Nội 2024, công ty chúng tôi mang đến những chai mật ong rừng đạt OCOP 4 sao, cùng nhiều sản phẩm chất lượng cao khác như bột tía tô, tinh nghệ đen sữa ong chúa, viên hà thủ ô, trà xạ đen... Nhờ có lễ hội, sản phẩm của chúng tôi được khách tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Đây là một cơ hội để quảng bá nét đẹp văn hóa cùng những thực phẩm chất lượng tốt của tỉnh Nghệ An”.