“Đúng là chuyện vệ sinh nơi công cộng của Việt Nam cũng hay tùy tiện nhưng tùy tiện đến mức thái quá như nam thanh niên kia thì không thể chấp nhận được mà phải lên án”, PSG.TS Trương Quốc Bình chia sẻ.
Hình ảnh về một người đàn ông đỗ xe ô tư ở ngã tư đường rồi thản nhiên đi vệ sinh đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cư dân mạng và gặp phải nhiều ý kiến chỉ trích, phê phán của cộng đồng.
Còn rất nhiều câu chuyện tương tự chúng ta gặp trên đường phố đã đặt ra một vấn đề văn hóa về ý thức bảo vệ đường phố của mỗi người dân Phải chăng việc vệ sinh giữa đường là chuyện quá đỗi bình thường?
PV Pháp Luật Plus đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS. TS Trương Quốc Bình (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) về câu chuyện đang gây rất nhiều tranh cãi này.
|
PGS.TS Trương Quốc Bình - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Ảnh: Internet). |
- Thưa PSG.TS Trương Quốc Bình, mới đây có một facebooker đăng tải hình ảnh thanh niên ăn mặc bảnh bao đi ô tô vô tư vệ sinh vào dải phân cách giữa ngã tư. Ông đánh giá thế nào về hành vi này?
Tôi cũng như mọi người, đều đánh giá thấp cử chỉ của nam thanh niên kia. Dường như mọi người đều tỏ thái độ bất bình và phàn nàn về hành vi cực kỳ thiếu văn hóa này.
- Thực ra, khi đi trên đường không khó để bắt gặp những hình ảnh tương tự như vậy. Phải chăng chuyện đi vệ sinh giữa đường đã trở thành hành vi quá đỗi bình thường?
Thực tế việc đi vệ sinh ở nơi công cộng, đặc biệt là trên đường không phải là hiếm. Chúng ta có thể thấy được ở dọc đường quốc lộ, thậm chí đường cao tốc, hiện tượng xe ô tô dừng lại để mọi người xuống vệ sinh ở chỗ không kín đáo khá phổ biến.
Người Việt mình lâu nay có một lối sinh hoạt hơi tùy tiện, đặc biệt trong việc vệ sinh. Phải nói dân mình ít lưu tâm đến chuyện này mặc dù nó đã và đang bị lên án.
Đúng là chuyện vệ sinh nơi công cộng của Việt Nam cũng hay tùy tiện nhưng tùy tiện đến mức thái quá như nam thanh niên kia thì không thể chấp nhận được mà phải lên án.
- Theo PGS. TS hành động này xuất phát từ đâu?
Tôi cho rằng hành động này có nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân sâu xa nằm ở ý thức văn hóa của mỗi người dân. Đây là việc không tôn trọng cộng đồng. Hành vi này là một hành vi bất chấp.
Chúng ta có thể thông cảm với những người cực chẳng đã hay trong trường hợp bất khả kháng. Nhưng ở đây rõ ràng là anh thanh niên này lái ô tô, ăn mặc lịch sự nên không thể biện minh rằng anh ta không có sự kiểm soát. Chỉ có thể nói rằng do ý thức cực kỳ kém mà nam thanh niên này bất chấp môi trường, cảnh quan.
- Vậy theo ông, ý thức của người Việt trong việc giữ gìn vệ sinh đường phố hiện nay có nên xếp vào hạng "tồi tệ"?
Hiện nay, phần lớn nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đã có ý thức bảo vệ, gìn giữ xây dựng nếp sống nơi công cộng. Bên cạnh hiện tượng tiêu cực, văn hóa không đẹp của một số bộ phận người dân, thì tôi vẫn đánh giá cao ý thức của cộng đồng.
Có thể thấy, ý thức bảo vệ văn hóa đường phố của giới trẻ hiện nay đã có những chuyển biến hết sức đáng mừng. Tuy nhiên vẫn có hiện tượng cần phải lên án như hành vi mà chúng ta đang bàn.
- Không chỉ vệ sinh bừa bãi mà còn rất nhiều hìn ảnh không đẹp trên đường phố như khạc nhổ, vứt rác bừa bãi trên đường. Đây có phải là hệ quả của "phông" văn hóa thấp do giáo dục từ gia đình và nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này?
Tôi cho rằng điều này hoàn toàn đúng. Chúng ta hay đổ lỗi cho thời kỳ phong kiến, nền nông nghiệp trồng lúa nước hay giáo dục, xã hội tùy tiện nhưng điều đó không phải.
Mỗi một dân tộc có một truyền thống khác nhau. Ví dụ, người Châu Âu khi ăn đồ súp hay nước không phát tiếng kêu, hay người Việt ăn phở húp soàn soạt là thiếu văn hóa nhưng với người Nhật lại ngược lại, được đồng ý.
Những bài học từ tấm gương ở Nhật Bản khi họ gặp sóng thần vẫn lặng lẽ xếp hàng rất trật tự hay về văn hóa giao thông cũng khiến chúng ta phải học tập. Từ đó cho thấy nhận thức chung về văn hóa công cộng của người Việt cần phải thay đổi, điều chỉnh.
|
Phản ứng của xã hội sâu sắc gấp bội số tiền mà nam thanh niên bị phạt. Ảnh: Internet. |
- Theo tin tức mới đây, nam thanh niên đi vệ sinh ở dải phân cách giữa ngã tư bị phạt 300.000 đồng. Mức phạt này đã đủ răn đe chưa, thưa ông?
Tôi cho rằng việc anh này bị phạt tiền chỉ là một sự cảnh tỉnh. Tuy nhiên nếu anh ta theo dõi tất cả phản ứng của xã hội thì hậu quả và bài học anh ta nhận được còn sâu sắc gấp bội lần số tiền bị phạt.
Chắc chắn, sau sự việc này, cậu thanh niên kia sẽ có một bài học nhớ đời. Và tôi tin chắc, anh ta sẽ có sự điều chỉnh cơ bản về hành vi ở nơi công cộng.
- Có ý kiến cho rằng, những người chứng kiến hành vi này mà im lặng cho qua hay người đứng quay clip chia sẻ lên Facebook cá nhân cũng đáng bị phê phán. Ông có nghĩ như vậy không?
Có một tình trạng hiện nay là xã hội mình hay ngại, không có hành vi để bênh vực, ngăn cản, công kích những chuyện không đúng.
Với tình huống văn hóa xã hội như này, tôi cho rằng việc mọi người ngay lập tức đứng lại bảo anh thanh niên không được làm thế nọ, không được làm thế kia là không tốt lắm. Có thể gây tắc đường, xảy ra vài mâu thuẫn không hay…
Nhưng việc người ta quay clip, chụp hình lấy tư liệu để tạo ra cơn sốt chung trên mạng xã hội là một phản ứng rất tích cực, là một bài học cho mọi người.
- Liệu sự im lặng khi nhìn thấy hành vi phản cảm này có phải vì người ta đang dửng dưng, thờ ơ với nhau không, thưa ông?
Tôi nghĩ đây cũng không phải dửng dưng. Trong bối cảnh này không thể nào trách cứ người khác, cho rằng họ quay lưng với những hành vi không hay ở ngoài xã hội là vì thiếu sự quan tâm, tử tế.
Có những người thờ ơ coi đó không phải công việc của mình nhưng chúng ta phải thấy sự lên tiếng của các truyền thông đại chúng, của báo Pháp luật Pluslà rất kịp thời và có vai trò quan trọng. Điều đó giúp cộng đồng có sự chuyển biến, nhắc nhở và cùng nhau thực thi văn hóa công cộng ngày một tốt đẹp hơn.
- Với tư cách là một người nghiên cứu văn hóa, theo ông cần phải làm gì để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh đường phố cho người dân?
Đầu tiên, phải giáo dục các em ngay từ lớp mẫu giáo cộng hưởng giáo dục toàn dân. Không chỉ là giáo dục từ nhà trường mà chính bố mẹ cũng phải làm gương cho các con noi theo và phải nhắc nhở thường xuyên. Đặc biệt cơ quan công quyền là hệ thống luật pháp phải mạnh mẽ vào cuộc hơn nữa.
Một mặt cần phải tăng cường hệ thống pháp luật, hệ thống giáo dục. Các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường hơn nữa việc giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân để cho họ thấy và họ thực hiện theo. Tôi hy vọng trong thời gian tới đây với những giải pháp đồng bộ thì văn hóa công cộng ở Việt Nam sẽ có những chuyển biến.
Tôi thấy từ hành vi phản cảm mà cộng đồng mạng đăng lên mạng phê phán, chứng tỏ mọi người cũng rất bức xúc, mong muốn thực thi văn hóa công cộng một cách chỉn chu, đầy đủ và có văn hóa.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!