Thế nào là công chức, viên chức và liệu việc chuyển viên chức giáo viên thành hợp đồng có khả thi trong chiến dịch tinh giản biên chế hay không?
Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình.
|
Hình minh họa. |
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định ngày 12/5.
Đây được xem là một giải pháp đề ra giữa bối cảnh ở nước ta đang có nguy cơ “phình” bộ máy biên chế. Vậy nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ thế nào là công chức, thế nào là viên chức và liệu việc chuyển viên chức giáo viên thành hợp đồng có khả thi trong chiến dịch tinh giản biên chế hay không?
Theo quy định của Điều 3 Luật viên chức hiện hành (năm 2010) thì "Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không phải là công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý."
Điều 7, Luật Viên chức cũng quy định: "Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định vị trí việc làm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định số lượng vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập".
Như vậy, theo quy định nêu trên thì các giáo viên không giữ chức vụ lãnh đạo ở các trường công lập được xác định là "viên chức" nhà nước, làm việc theo chế độ viên chức và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Quy định này đã có từ lâu trong hệ thống pháp luật Việt Nam và cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Thẩm quyền quy định về viên chức, giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công là viên chức do Quốc hội quyết định trên cơ sở ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức.
Còn trình tự, thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức, số lượng viên chức trong các đơn vị hành chính sự nghiệp (trong đó có trường công lập) do Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 7 Luật Viên Chức.
Còn công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008 được quy định như sau: "Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;
Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
Đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật".
Theo luật viên chức hiện hành thì giáo viên tại các trường công lập là viên chức, còn những người giữ cương vị lãnh đạo có chức vụ, chức danh sẽ là công chức.
Việc bỏ chế độ công chức, viên chức trong giáo dục sẽ thể hiện tính tự chủ cho từng đơn vị rất cao, kích thích các đơn vị tự phát triển, tự vươn lên, yếu tố cạnh tranh sẽ cao hơn... nhưng cũng sẽ mất ổn định hơn.
Đây là vấn đề lớn, cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định thay đổi và nếu có thay đổi thì cũng phải có lộ trình thích hợp để đảm bảo ổn định đời sống của hàng triệu giáo viên hiện nay.