Giàu có và quyền uy thường có lắm vợ nhiều con, nhưng nhiều vị Hoàng đế lại chẳng được mấy tuổi thọ. Riêng có Thành Cát Tư Hãn (1162? - 1227) vị vua sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc ở vùng đông bắc châu Á năm 1206 thì khỏe mạnh, sống lâu và con cháu ông cũng rải khắp các lục địa.
Những phân tích vật chất di truyền còn cho thấy, ông có thể là “người truyền giống thành công nhất trong lịch sử” với khoảng 16 triệu hậu duệ là nam giới hiện đang sống rải rác khắp nơi trên toàn thế giới.
Người truyền giống vĩ đại
Tạp chí khoa học Nature mới đây cho biết, các nhà khoa học ở ĐH Leicester (Anh) đã phát hiện gần 8% đàn ông thuộc 16 dân tộc ở châu Á mang các nhiễm sắc thể Y gần giống nhau, tương ứng với 0,5% đàn ông trên thế giới (gần 16 triệu người).
Các biến thể di truyền của những người này cho thấy, dòng gene khởi nguồn từ khoảng 1.000 năm trước ở Mông Cổ. Nhóm nghiên cứu cũng phân tích các nhiễm sắc thể Y của hơn 5.000 đàn ông thuộc 127 nhóm dân cư khác nhau trên khắp châu Á, phát hiện 11 chuỗi nhiễm sắc thể Y phổ biến lặp đi lặp lại ở các bộ gene được nghiên cứu.
Bằng cách tìm kiếm các đột biến ngẫu nhiên tích lũy theo thời gian đối với những chuỗi nhiễm sắc thể Y này, nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng, ngoài Thành Cát Tư Hãn, 10 người nữa cũng có nhiễm sắc thể Y di truyền khắp thế giới.
Nhiễm sắc thể Y là “chìa khóa” di truyền được chuyển giao giữa những người đàn ông trong cùng một huyết thống, rất ít biến đổi qua nhiều thế hệ nên có thể được sử dụng để xác định tổ tiên.
Điều đặc biệt là, các đặc điểm di truyền của nhiễm sắc thể Y ở hơn 2.000 cá thể đại diện thuộc 18 quốc gia nằm trong phạm vi đế chế Mông Cổ trước đây được chọn để nghiên cứu phổ biến đến mức, khó có thể tin rằng, sự giống nhau giữa chúng là ngẫu nhiên; mặt khác, chúng chỉ xuất hiện trong các nhóm nam giới sống trên phần lãnh thổ thuộc đế chế Mông Cổ trước đây.
Bên ngoài vùng đất này, chỉ duy nhất tộc người Hazara ở Pakistan và Afghanistan mang nhiễm sắc thể Y với các đặc tính tương tự, mà theo những câu chuyện truyền miệng của người Hazara thì họ là con cháu các chiến binh mang dòng dõi Thành Cát Tư Hãn.
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Nga và Ba Lan công bố bổ sung thêm một số tình tiết đáng chú ý, ví dụ như tỉ lệ mang nhiễm sắc thể Y như trên cao nhất thuộc về người Mông Cổ, chiếm khoảng 35% nam giới. Trong khi đó, ở Nga, những người mang nhiễm sắc thể này chỉ phân bố ở các vùng biên giới tiếp giáp với Mông Cổ, là nơi đế chế hùng mạnh của Thành Cát Tư Hãn khởi phát vào năm 1206.
Từ những sự trùng hợp này, các nhà khoa học cho rằng, có thể 16 triệu người trên đều là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn. Mark Jobling - nhà di truyền học, người dẫn đầu chương trình nghiên cứu gene của ĐH Leicester - cho biết, việc thiết lập được một dòng giống lớn đến vậy phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống xã hội, trong đó cho phép đàn ông lấy nhiều vợ và có con với họ.
|
Tư Hãn ra trận cũng rất mãnh liệt. |
Hàng trăm người con cũng... truyền giống xuất sắc
Những gì mà Thành Cát Tư Hãn đã làm không chỉ là cai trị đế chế rộng lớn nhất thế giới, mà còn làm tăng dân số ở những nơi vó ngựa của ông đi qua.
Thành Cát Tư Hãn được cho là có hàng trăm người con; mỗi con, cháu trai của ông cũng có hàng chục người con trai khác. Sau khi ông chết năm 1227, vài trăm năm sau đó, con cháu ông vẫn tiếp tục chinh phạt và "truyền bá nòi giống" của mình một cách xuất sắc.
Theo David Morgan, một chuyên gia về lịch sử Mông Cổ của ĐH Wincosin, các hậu duệ trực tiếp của Thành Cát Tư Hãn đều chứng tỏ khả năng duy trì nòi giống cực tốt; con trai út của ông, Đà Lôi, có đến 40 con trai chính thức.
Một người trong số này, Hốt Tất Liệt, hoàng đế khai quốc của nhà Nguyên cũng có đến 22 người con trai với hoàng hậu và các vương phi, chưa kể con cái của các tì thiếp trong hậu cung. Cứ như vậy, từ đời này qua đời khác, số hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn tăng lên theo cấp số nhân, khiến ông trở thành “người truyền giống” vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Trong các tài liệu lịch sử còn lại cho đến ngày nay, người vợ duy nhất của Thành Cát Tư Hãn được nhắc đến là bà Bật Tê, con gái thủ lĩnh một bộ tộc đồng minh với bộ tộc của Thành Cát Tư Hãn, mà thời trẻ là một tuyệt thế giai nhân.
Có nhan sắc hơn người nên sau khi đã là vợ Thành Cát Tư Hãn, bà Bật Tê vẫn bị người của một bộ tộc khác bắt cóc, cầm giữ trong 8 tháng. Sau khi được giải cứu trở về, bà sinh con trai đầu lòng, được Thành Cát Tư Hãn đặt tên là Truật Xích.
Theo cuốn Bí sử Mông Cổ được một tác giả khuyết danh biên soạn sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, thì Truật Xích không phải là con ruột của Thành Cát Tư Hãn mà là con của bà Bật Tê với một trong những kẻ đã bắt cóc bà.
Ngoài mặt, Thành Cát Tư Hãn có vẻ không mấy quan tâm và chỉ tỏ ra rất giận dữ khi người em trai liền kề Truật Xích nhạo báng nguồn gốc của anh mình. Thế nhưng, có lẽ trong thâm tâm, Đại Hãn cũng cảm thấy có đôi chút nghi ngờ, cái tên Truật Xích có thể là một bằng chứng bởi trong tiếng Mông Cổ, Truật Xích có nghĩa là “Người khách không mong đợi”. Mặc dù thuộc ngành trưởng nhưng Truật Xích và các con cháu của ông không bao giờ được coi là người kế vị ngôi báu của Thành Cát Tư Hãn.
Thành Cát Tư Hãn còn có 3 người con trai khác với bà Bật Tê. Sau khi ông qua đời, người con thứ hai là Sát Hợp Đài được chia phần đất Trung Á và bắc Iran; con trai thứ ba là Oa Khoát Đài kế vị tước Đại Hãn và nhận vùng đất Trung Quốc, Triều Tiên; con trai út Đà Lôi ở lại Mông Cổ làm giám quốc. Ngoài ra, 5 người con gái được gả cho thủ lĩnh các bộ tộc để tạo liên minh.
Sau này, Thành Cát Tư Hãn còn thu nạp thêm nhiều tiểu thiếp, hầu hết đều sinh con cho ông; một số người con này cũng được chia những vùng đất nhỏ, được phép lập quân đội riêng nhưng không được ban tước vị và không được ghi vào sử sách nên chẳng ai biết đến.
Các sử gia phương Tây còn cho rằng, ở chốn phòng the, Thành Cát Tư Hãn cũng mạnh mẽ không khác gì trên sa trường, rất nhiều người trong số các mỹ nhân từng hầu hạ ông và mang cốt nhục của Đại Hãn, nhưng không phải ai cũng được tuyển làm hậu phi.
Trước khi kịp biết mình mang giọt máu đế vương, một số người đã được ban tặng cho các tướng làm vợ, số khác bị bỏ lại trên đường chinh chiến của đại quân Mông Cổ. Con cái của họ sinh ra cũng mang huyết thống của Thành Cát Tư Hãn nhưng không bao giờ được biết đến và công nhận. Như thế, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn có thể có mặt ở khắp những miền đất mà ông đã từng chinh phục.
|
Nữ hoàng Anh được cho là mang trong mình gene của Thành Cát Tư Hãn. |
Hậu duệ đang trị vì nước Anh?
Mặc dù hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn hiện có thể đã lên đến hàng chục triệu người, song trên thực tế, không có sử liệu nào chỉ ra mối liên hệ về mặt huyết thống giữa hoàng gia Anh (cũng như các hoàng gia Tây Âu khác) với Thành Cát Tư Hãn.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nghiên cứu phả hệ thì điều này vẫn có thể xảy ra, dựa vào những phân tích về vương triều Basarab cai trị ở vùng đất nay là miền nam Rumani.
Họ cho rằng, ông tổ của những người sáng lập nên vương triều này, hoàng thân Thocomerius, trên thực tế là con trai hoặc cháu nội của Bạt Đô, một trong những người con của Truật Xích và là người lãnh đạo đội quân Mông Cổ chinh phục châu Âu.
Một nhánh của hoàng tộc Basarab đã di cư sang Hungary vào khoảng thế kỷ 15. Con cháu của họ, sau nhiều thế hệ nối tiếp nhau được duy trì bằng những cuộc hôn nhân vương giả với các hoàng tộc khác ở châu Âu, cuối cùng đã sinh ra công chúa Victoria Mary, người sau này trở thành hoàng hậu nước Anh và là bà nội của nữ hoàng Elizabeth II.
Nếu giả thuyết này là chính xác thì người đang trị vì nước Anh hiện nay có lẽ vẫn còn mang trong mình một vài gene của người đã lập nên đế chế Mông Cổ hùng mạnh cách đây hơn 800 năm.
Tuy nhiên, dù chứng minh được rằng, một trong những tổ tiên xa xôi của nữ hoàng Anh là con cháu của Truật Xích, thì điều đó cũng chưa đủ để khẳng định nữ hoàng mang dòng máu của Thành Cát Tư Hãn, vì ngay từ đầu, Truật Xích đã bị nghi ngờ không phải là con trai của Đại Hãn...