Người M'nông, S’tiêng sinh sống ở Bình Phước hiện nay có số dân hơn 10.879 người chủ yếu ở huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp và thị xã Phước Long. Phần lớn đồng bào sinh sống bằng nghề làm nương, rẫy, chăn nuôi, trồng trọt và dệt vải.
Rực rỡ thổ cẩm
Nghề dệt thổ cẩm của người M'nông, S’tiêng đã được hình thành từ xa xưa. Những tấm thổ cẩm được dệt ra không chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình, mà còn được sử dụng làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, vật phẩm biếu tặng vào những dịp đặc biệt.
Những tấm thổ cẩm còn được người M'nông sử dụng để làm vật trao đổi theo hình thức vật đổi vật, mua bán giữa cộng đồng người M'nông với các dân tộc khác cùng chung sống trong khu vực.
Từ nguyên liệu sẵn có ở rừng, phụ nữ nơi đây đã khéo léo, tỉ mỉ dệt nên những tấm thổ cẩm có họa tiết tinh xảo, độc đáo màu sắc rực rỡ tạo nên những bộ trang phục truyền thống mang nét đặc trưng thể hiện rõ bản sắc của núi rừng Bình Phước
Hiện nay, mặc dù số lượng người thực hành dệt thổ cẩm có giảm hơn so với trước đây, nhưng việc duy trì dệt trong cộng đồng cũng là một việc làm rất cần thiết để bảo tồn nghề truyền thống này.
Đồng bào nơi đây còn ý thức bảo vệ bằng cách sử dụng sản phẩm thổ cẩm vào các dịp sinh hoạt cộng đồng, các dịp thực hành các nghi lễ, lễ hội truyền thống của gia đình và cộng đồng. Thổ cẩm cũng làm nên trang phục bà con thường xuyên mặc để đi thực hành các nghi lễ tôn giáo.
Nghề dệt thổ cẩm được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng hình thức truyền miệng và truyền dạy trực tiếp từ người biết dệt cho những người chưa biết dệt và chỉ được thực hành những người phụ nữ trong gia đình, các bà, các mẹ là người thực hành nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đồng thời là người truyền dạy lại toàn bộ quy trình, kỹ thuật dệt cho con, cháu gái của họ.
Từ việc sắp xếp khung dệt, sắp xếp sợi dệt đến việc tạo các hoa văn trên sản phẩm để dệt thành một sản phẩm thổ cẩm hoàn
Cùng sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và nỗ lực bảo tồn của người M'nông ở Bình Phước mà nghề dệt vẫn được giữ gìn và phát triển đến nay.
Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M'nông ở xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) và các xã Đắk Nhau, Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn (huyện Bù Đăng), tỉnh Bình Phước là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".
Đây vừa là vinh dự, là điểm tựa tinh thần và là động lực để chính quyền cũng như bà con nơi đây bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, góp phần tạo nên một nền văn hóa đa sắc màu truyền thống giữa núi rừng đại ngàn
Món ăn độc đáo
Món ăn đặc biệt này là những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc nơi đây, có điều đơn giản bởi nguyên liệu chính của món canh này đều là những thực phẩm có sẵn, gần gũi với thiên nhiên, với đời sống hằng ngày của bà con khi coi là món ăn hàng ngày.
Món ăn này được chế biến với những nguyên liệu có sẵn ngay gần nơi đồng bào sinh sống như cá, cua, tôm, tép nhỏ bắt được dưới dòng suối bên nhà, trên những thửa ruộng nhỏ xung quanh bản làng và các loại rau rừng như: đọt mây, lá nhíp, măng rừng, còn có một loại trái có tên cà đắng - cà mọc hoang trên rừng, trái nhỏ, có vị đắng khi chín, còn xanh thì ngọt.
Đọt mây, nếu nấu với da trâu, da bò khô hoặc cá khô thì phải nướng cho mềm, đọt mây được tước vỏ và bẻ thành từng đoạn nhỏ trước khi bỏ vào ống nấu. Các gia vị kèm theo là mắm, ớt, muối, hoặc bột ngọt.
Canh thụt ăn với cơm rất ngon, ngon nhất là ăn cùng với cá trê, hoặc cá lóc nướng. Khi thưởng thức, chúng ta sẽ cảm nhận được đầy đủ hương vị của núi rừng: đắng, cay, ngọt, bùi.
Những đọt mây thơm ngậy, có vị đăng đắng nơi cổ họng, hòa quyện ới vị ngọt béo của thịt cá, cùng với vị bùi của lá nhíp, vị the đắng của cà rừng, mùi thơm đặc trưng của lồ ô hay tre, nứa… Tất cả tạo nên một hương vị canh tổng hợp, lạ miệng, mang đặc trưng riêng, bình dị mà du khách không thể nào quên.
Phong phú lễ hội
Món ăn đặc trưng gắn liền với trang phục trong dịp lễ hội truyền thống của các dân tộc S’tiêng, M’nông.
Đồng bào nơi đây cũng có rất nhiều lễ hội được tổ chức trong năm như: Lễ hội cầu mưa của đồng bào S’tiêng, Lễ cơm mới hay còn gọi là Tết lúa mới của đồng bào M’nông cũng như lễ hội quay đầu trâu mừng lúa mới của người S’tiêng, lễ hội Phá Bàu của đồng bào Khmer...
Trong các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc sống trên địa bàn tỉnh Bình diễn ra hàng năm ngoài chương trình chính của lễ hội thì ẩm thực cũng là một phần của lễ hội mà một món ăn không thể thiếu là món canh thụt đã gắn liền với bà con hàng trăm năm nay.
Theo quan niệm của đồng bào nơi đây thì món ăn này có nguồn gốc từ thiên nhiên gần gũi này với đầy đủ hương vị của núi rừng: Đắng, cay, ngọt, bùi cũng như những gì đặc trưng của cuộc sống hàng ngày
Để cảm nhận hết hương vị núi rừng qua món ăn và ngắm nhìn trang phục đa sắc màu có lẽ không nơi nào tốt hơn là tại các lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi núi rừng đại ngàn. Đây cũng là lý do khiến các du khách phương xa đều muốn khám phá, thưởng thức khi có dịp đến với tỉnh Bình Phước.