Nếu như trước đây mạng xã hội từng rộ lên trào lưu "12 ngày nhịn ăn để thanh lọc cơ thể" thì nay dư luận lại xôn xao với thông tin 49 ngày nhịn ăn của "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ. Sự thật của phương pháp này là gì và liệu nó có mang lại lợi ích cho sức khỏe?
Tin nên đọc
Những thực phẩm giúp thanh lọc cơ thể
Thanh lọc cơ thể, cùng Yoga Việt Nam chinh phục kỷ lục Guiness thế giới
12 ngày nhịn ăn, bạn sẽ không chết đâu?
Phương pháp “12 ngày nhịn ăn sẽ giúp thanh lọc cơ thể một cách hoàn hảo” được lan truyền rộng rãi bắt nguồn từ chia sẻ của một bác sĩ “như một phương pháp thanh lọc cơ thể có sự khác biệt và hiệu quả vượt trội hơn những phương pháp nhịn ăn khác”!.
Vị bác sĩ này cho rằng: “Với 12 ngày nhìn ăn, bạn sẽ không chết đâu, thay vì vậy, bạn sẽ có những khám phá thú vị về cơ thể của chính mình, và bạn sẽ hiểu được bình thường cơ thể chúng ta chứa đầy độc tố như thế nào…”.
Hay như: “Nhịn ăn để thanh lọc cơ thể trong 12 ngày chính là làm cho các tế bào ung thư bị bỏ đói, thêm vào phương pháp hít thở (ăn không khí) làm tăng hồng cầu và giúp khí huyết tuần hoàn khắp cơ thể phục hồi lại các tế bào khỏe, tăng khả năng miễn nhiễm phòng chống bệnh tật, giúp phục hồi các cơ co bóp tống độc ra ngoài bằng đường tiêu tiểu, thì dấu hiệu ung thư sẽ từ từ biến mất (?).
Đặc trưng của phương pháp giải độc cơ thể này là nhịn ăn, chỉ uống nước được pha chế với lượng khoảng 4-6 lit/ngày….”.
Bài viết cũng ghi chi tiết công thức nhịn ăn từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 12. Từ ngày thứ 13, 14 trở đi sẽ ăn uống trở lại chế độ bình thường…
Chia sẻ trên mạng xã hội, rất nhiều chị em đã hào hứng với phương pháp 12 ngày nhịn ăn, có người vì lý do “thanh lọc cơ thể”, có người muốn giảm cân, và thậm chí cũng có những chị em nhịn ăn chỉ vì tò mò và muốn trải nghiệm. Trên facebook của mình, chị L. viết: “Mình là người khá tò mò về cơ thể nên cũng muốn thử nghiệm.
Ngoài ra, nghe nói nhịn ăn có thể khỏi bệnh dạ dày và một số tác dụng khác... (?). Mình đã bắt đầu kế hoạch thanh lọc cơ thể…”.
Không thể thải độc bằng nhịn ăn!
Một bác sĩ (đề nghị không nêu tên) cho rằng, khi nhịn đói, cơ thể chuyển hóa sinh các thể ketone là các chất chuyển hóa độc chứ không phải giúp cơ thể thanh thải độc chất.
Việc nhịn ăn cũng chỉ nên giảm bớt lượng calories đưa vào và tăng vận động để tăng tiêu thụ, cốt yếu vẫn phải đảm bảo nhu cầu vitamin và điện giải, không nên nhịn hoàn toàn.
“Thông thường trong điều kiện nghỉ ngơi, cơ thể con người vẫn cần khoảng 30 kcal/kg/24h.
Trong đó, não tiêu thụ khoảng 18% tổng nhu cầu năng lượng của cơ thể. Não chủ yếu sử dụng glucose (khoảng 80 g/ngày).
Ngoài các nhu cầu năng lượng, cơ thể còn cần nước và các điện giải: natri khoảng 100-150mmol/ ngày, kali khoảng 75-150mmol/ ngày”- vị bác sĩ cho biết.
|
Khi nhịn đói, cơ thể chuyển hóa sinh các thế ketone là các chất chuyển hóa độc chứ không phải giúp cơ thể thanh thải độc chất. Ảnh minh họa. |
Cũng theo bác sĩ này, khi một người nhịn ăn kéo dài, cơ thể đáp ứng qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn tiêu thụ glycogen và lipid: Trong vòng 24h đầu tiên chủ yếu cơ thể sử dụng glycogen dự trữ trong gan và một phần trong cơ để tạo gluco.
Nồng độ insulin máu hạ thấp, glucagon, adrenalin và noradrenalin tăng cao. Nhu động ruột tăng, cảm giác đói tăng lên, chuyển hoá chỉ giảm ít so với mức bình thường.
Đến khi nguồn glycogen cạn kiệt, cơ thể bắt đầu sử dụng các chất béo dự trữ làm nguồn năng lượng.
Triglycerid bị giáng hóa, acid béo chuyển hóa thành ketonic và một phần cùng glycerine được dùng để tổng hợp thành gluco.
Quá trình này gia tăng vào ngày thứ 2 -3 trong quá trình nhịn ăn. Lượng gluco được tạo ra ưu tiên cho não sử dụng, nhưng não cũng vẫn bị tiết chế bớt nhu cầu và chuyển một phần sang sử dụng ketonic.
Sau khi nhịn ăn trong 3 ngày, bộ não sử dụng đến 30% năng lượng từ các thể ketonic. Sau 40 ngày nhu cầu này tăng lên lên đến 75%. Giai đoạn này cơ thể có thể giảm đến 1kg/ngày.
Giai đoạn tiêu thụ lipid và protein: Khi quá trình thoái giáng lipid tạo gluco không đủ thì cơ thể tăng cường thoái giáng protein để tổng hợp gluco phục vụ cho hoạt động của não và cơ.
Lúc này chuyển hóa cơ thể giảm thấp, não chuyển sang chủ yếu sử dụng ketonic.
Cảm giác đói giảm, mạch chậm, nước tiểu giảm, phù nhẹ, thần kinh bị kích thích gây nhức đầu, khó chịu. Khi não phải tăng tỷ lệ sử dụng các thể ketonic thay cho gluco (có thể tới 70%) thì chuyển sang trạng thái ức chế lờ đờ, thờ ơ.
Với những người béo phì, mặc dù cơ thể còn lipid dự trữ nhưng tốc độ chuyển hóa lipid không kịp đảm bảo cho nhu cầu năng lượng của cơ thể nên quá trình tiêu thụ protein xảy ra sớm và nhanh hơn.
Giai đoạn hấp hối: Kéo dài 5-7 ngày. Lúc này dự trữ gluxit và lipit của cơ thể bị cạn kiệt, protein của những tạng cốt tử như cơ tim, thần kinh cũng bị huy động.
Chuyển hoá bị rối loạn, nạn nhân hôn mê, rồi tử vong. Thời gian sống trung bình của một người nhịn đói thức ăn khoảng 65-70 ngày.
Tuy nhiên đó là xét về nhu cầu năng lượng. Các nhu cầu về nước điện giải còn cấp thiết hơn. Nhịn nước tuyệt đối chỉ sống được vài ngày do tình trạng kiệt nước.
Chế độ nhịn các điện giải có thế sống dài hơn đôi chút. Trong điều kiện thông thường nhu cầu natri khoảng 100-150 mmol/ ngày, kali khoảng 75-150mmol/ ngày.
Nếu bị hạn chế natri, kali, cơ thể đáp ứng bằng cách giảm thải natri, kali qua nước tiểu nhưng tối thiểu vẫn thải khoảng 30-50mmol kali và natri mỗi ngày.
Với tổng lượng kali cơ thể thông thường khoảng 2.500-4.000mmol thì một người nhịn kali có thể chịu được một vài tuần mới có tình trạng hạ kali máu nguy kịch.
Đối với người nhịn đói kéo dài có thể gặp phải một số vấn đề khác như: Tử vong sớm, tử vong do thiếu năng lượng xảy ra chậm hơn so với tử vong do thiếu nước và điện giải.
Tuy nhiên trong một số tình huống có thể tử vong rất sớm nếu tốc độ chuyển hóa của gan thấp, tốc độ tạo gluco không theo kịp với tốc độ sử dụng của của cơ thể gây cơn hạ đường huyết cấp dẫn đến tử vong.
Tình trạng này có thể đồng thời với tình trạng tăng ceton máu do hậu quả của sự giáng hóa lipid. Tử vong sớm còn có thể xảy ra do rối loạn điện giải nếu chế độ ăn kiêng bao hàm cả không bổ sung điện giải.
Tử vong muộn: Ngoài vấn đề tử vong do kiệt năng lượng, tình trạng nhịn đói kéo dài dẫn đến thiểu sản niêm mạc ruột và ngừng tiết enzyme trypsin tại tụy và ruột non, Khi người bệnh được cho ăn lại thì không tiêu hóa được protein làm tăng sinh vi khuẩn C.welchi type C tại ruột tiết độc tố, các độc tố này không bị trypsin phân hủy sẽ gây viêm ruột hoại tử.
Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều nạn nhân sống sót qua trận đói kéo dài nhưng ngay sau khi được ăn lại bữa đầu tiên thì chướng bụng, đi ngoài ra máu rồi tử vong nhanh chóng (hội chứng Pigbel).