Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã chỉ rõ nhiều sai phạm của Sở Y tế Bình Dương trong công tác quản lý nhà nước về giá thuốc, đấu thầu thuốc...
|
Hình min họa. (Nguồn: Internet) |
Sau khi tiến hành thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã chỉ rõ nhiều sai phạm của Sở Y tế Bình Dương trong công tác quản lý nhà nước về giá thuốc, đấu thầu thuốc, quản lý chất lượng thuốc và quản lý mỹ phẩm.
Theo kết luận, về công tác quản lý chất lượng thuốc, Sở Y tế Bình Dương chưa thực hiện đầy đủ việc xử lý đối với các thuốc do Trung tâm kiểm nghiệm của tỉnh Bình Dương lấy mẫu và kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý chất lượng thuốc.
Chưa kịp thời báo cáo kết quả kiểm tra đối với các thuốc không được phép lưu hành theo thông báo của Cục Quản lý dược. Về công tác đấu thầu thuốc, trong hồ sơ mời thầu sau khi được thẩm định còn dẫn chiếu văn bản đã hết hiệu lực.
Hồ sơ mời thầu gói thầu mua thuốc biệt dược và thuốc generic bổ sung cho năm 2015-2016 có tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu chưa phù hợp, chưa đảm bảo năm trước liền kề.
Có đến 31/188 (tỷ lệ 16,5%) hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm được kiểm tra có thời gian giải quyết còn chậm so với quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/1/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn về quản lý mỹ phẩm.
Từ sự buông lỏng trong quản lý đã dẫn đến nhiều sai phạm tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, việc đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu như: Công ty CP Dược phẩm Pha Nam chưa đủ cơ sở pháp lý (không có phạm vi hành nghề kinh doanh sinh phẩm y tế trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc).
Việc bảo lãnh dự thầu trong hồ sơ dự thầu của một số nhà thầu được ký bởi người không phải là người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền hợp pháp của tổ chức tín dụng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Dương.
Đối với công tác quản lý chất lượng thuốc, các cơ sở y tế chưa kịp thời báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra và xử lý đối với các thuốc bị đình chỉ lưu hành, thu hồi, thuốc giả, thuốc không được phép lưu hành theo yêu cầu trong văn bản thông báo của Sở Y tế.
Đáng chú ý, việc sản xuất thuốc tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh Bình Dương không đảm bảo tiêu chuẩn.
Đơn cử là Cty TNHH Phil Inter Pharma đã sản xuất thuốc có mãn nhãn, thành phần tá dược không đúng so với hồ sơ đăng ký đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, như thuốc Cosele số đăng ký VD-7136-09 lô sản xuất 14001; thuốc Timi Roitin số đăng ký VD-18564-13, lô sản xuất 16005…
Tại Cty TNHH Dược phẩm Đạt Vi Phú thì chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm nghiệm thành phẩm thuốc Vadavir (Lamivudin) 100mg, số đăng ký VD-13660-10, lô sản xuất 15001, hạn dùng 10/9/2018, chưa thực hiện kiểm nghiệm chỉ tiêu tạp chất liên quan như hồ sơ đã đăng ký...
Ngoài ra, thông tin thuốc trên tờ hướng dẫn sử dụng không đúng so với mẫu nhãn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong hồ sơ đăng ký như thuốc Captopril 25mg và thuốc Pizar 3, 3mg hạn dùng 21/09/2018.
Công tác quản lý và sản xuất tại các cơ sở sản xuất mỹ phẩm còn nhiều tồn tại, như Cty TNHH Mỹ phẩm Tóc xinh, năm 2015-2016 chưa tổ chức đào tạo cho nhân viên.
Khu vực kho hóa chất chưa vệ sinh trần, thiếu nội quy ra vào kho, các thiết bị sử dụng để cân, dụng cụ kiểm tra chất lượng đã hết hạn hiệu chỉnh nhưng chưa được hiệu chỉnh lại.
Cty chưa thực hiện kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu mà cty không có khả năng thực hiện như hàm lượng kim loại nặng, độ nhiễm khuẩn, kích ứng da, chất hoạt động bề mặt, tỷ trọng.
Cty TNHH MTV sản xuất và thương mại Samsara, có 3/11 sản phẩm mỹ phẩm trong hồ sơ sản xuất có thành phần nguyên liệu sử dụng thiếu so với thành phần trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm gồm: Dầu gội dưỡng tóc khỏe Cencatia; kem BB trang điểm hoàn hảo Cencatia; kem dưỡng da cao cấp thanh xuân che khuyết điểm Cencatia.
Theo đó, kiến nghị Sở Y tế Bình Dương nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các sai phạm và có báo cáo khắc phục gửi về Thanh tra Bộ Y tế trước ngày 15/2/2017.