3 dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt cùng một loạt công trình trọng điểm khác vừa được bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2018.
|
3 dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt sẽ được bổ sung kiểm toán năm 2018. Ảnh: Báo Giao Thông. |
Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa công bố quyết định kiểm toán bổ sung năm 2018 trên cơ sở đề nghị của một số bộ ngành, đơn vị có liên quan.
Theo quyết định này, 3 dự án hiện đại hóa tín hiệu đường sắt sẽ được bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2018.
Cụ thể, 3 dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt gồm: Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội – Thái Nguyên, 3 khu đầu mối Hà Nội giai đoạn I; Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh – Sài Gòn tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn I; Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội – Vinh tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn II.
Danh sách kiểm toán bổ sung năm 2018 còn có Dự án Đầu tư xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ngoài ra, đợt bổ sung này Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện kiểm toán với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công giai đoạn 2012-2017 và 9 tháng đầu năm 2018 của Trường Đại học Điện lực.
Trước đó, trao đổi với Báo Lao Động, ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, thời gian vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tập trung vào những lĩnh vực mà nhiều người quan tâm và những khu vực hay xảy ra thất thoát lãng phí như BT, BOT, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thuế, chuyển giá và những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách. KTNN đã tập trung lần lượt vào các chuyên đề, từ đó kiến nghị với Chính phủ sửa cơ chế chính sách phù hợp và sát hợp tránh thất thoát tài chính công, tài sản công nhà nước.
“Định hướng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường về chất lượng. Năm 2019, KTNN sẽ giảm 20% các cuộc kiểm toán so với năm 2018 để tập trung nâng cao chất lượng. Giảm báo cáo tài chính, tăng cường kiểm toán chuyên đề, tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực, hiệu quả của các chương trình mục tiêu, các chuyên đề, để hoàn thiện cơ chế, chính sách, tránh xảy ra thất thoát”, ông Phớc thông tin.
Ngoài ra, trong năm 2019, KTNN sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như đất đai của một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa, kiểm toán về một số chương trình thu thuế, xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan và một số chuyên đề về BT…
Đây đều là những lĩnh vực nhạy cảm, những khu vực có thể dễ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Với việc tổ chức các chuyên đề như vậy, Kiểm toán Nhà nước hy vọng sẽ tránh thất thoát tài chính công, tài sản công, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng.