Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em
Mục đích của Kế hoạch nhằm giúp các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương xác định rõ trách nhiệm thực hiện các Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (Ủy ban); tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm thực hiện quyền trẻ em một cách đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Kế hoạch yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện Khuyến nghị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ trì, phối hợp; lồng ghép hiệu quả với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, chính sách về trẻ em; xác định trách nhiệm cụ thể, lộ trình thực hiện Khuyến nghị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình của bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; thường xuyên kiểm tra, đánh giá định kỳ việc thực hiện quyền trẻ em và thực hiện Khuyến nghị.
7 nhiệm vụ, giải pháp
Kế hoạch sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gồm:
1- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các Công ước, Điều ước quốc tế liên quan đến trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Ảnh minh hoạ. |
2- Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức và kỹ năng thực hiện quyền trẻ em.
3- Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, người làm công tác bảo vệ trẻ em và liên quan đến công tác trẻ em ở các cấp, các ngành; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, triển khai các hoạt động, mô hình về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
4- Phát triển hệ thống dịch vụ bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
5- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quyền trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em. Xây dựng, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu về trẻ em liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
6- Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách nhà nước theo quy định.
7- Tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch để xây dựng kế hoạch, thời gian, lộ trình tổ chức thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Chủ động bố trí nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề trẻ em thuộc trách nhiệm và thẩm quyền; đồng thời lồng ghép, tích hợp hiệu quả nhiệm vụ thực hiện Khuyến nghị trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt có liên quan; tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo.
Tags: