“Tôi từng bị một số người tung tin đồn sẽ thuê xã hội đen để trừ khử tôi, lúc đầu tôi cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng”. Đó là chia sẻ của Nhà báo Trần Mỹ, người đầu tiên viết bài về vụ án oan sai Huỳnh Văn Nén.
Sau khi ông Nén chính thức được minh oan sau 17 năm 5 tháng ở chốn lao tù, PV phapluatplus đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Mỹ - Người đồng hành cùng ông Nén trong suốt quãng thời gian tăm tối ấy.
Tôi đã mừng rơi nước mắt
"Lúc sự việc được báo chí phanh phui, tòa mới hủy án yêu cầu điều tra lại mà tôi đã mừng rớt nước mắt. Đối với tôi đó không chỉ là chiến thắng của nghề nghiệp mà còn là sự chiến thắng của công lý, của sự kiên trì và của luật nhân quả”, Nhà báo Trần Mỹ trải lòng.
Vụ án trải qua tổng cộng ba lần xét xử sơ thẩm và ba lần xét xử phúc thẩm. Phiên xử cuối cùng minh oan cho ông Nén kéo dài 2 tuần và giới báo chí cùng luật sư đã phải đề nghị tòa “áp giải” điều tra viên Cao Văn Hùng đến đối chất để minh oan cho ông Nén.
Vụ án ông Nén cùng 8 người trong gia đình bị ngồi tù về tội giết bà Dương Thị Mỹ trong “kỳ án vườn điều” là một câu chuyện về nỗi oan khuất không thể hình dung nổi.
Tuy nhiên, những người vào tù ra tội ấy vẫn còn có một sự may mắn là họ được những người kiên cường như nhà báo Trần Mỹ biết đến, “bày mưu tính kế” và giúp họ thoát khỏi song sắt nhà tù.
Nhà báo Trần Mỹ chia sẻ, “gia đình ông Nén có được ngày hôm nay là bởi vì họ may mắn được làm công dân của một ông chủ tịch xã rất hay. Có thể nói không có ông Nguyễn Thận - Nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Tân Minh thời đó thì ông Nén chẳng thể có được giây phút được minh oan”.
Ngày đó, ông Thận mặc dù biết ông Nén bị hàm oan nhưng không thể làm gì hơn. Suốt nhiều năm liền ông Thận đến TP HCM tìm các nhà báo nổi tiếng để kêu cứu hộ người dân của mình nhưng rồi cuối cùng khẩn cầu ấy của ông cũng đã không được thực hiện.
Cái khó hơn cả làm cho một vụ án 9 người phải ngồi tù oan bị rơi vào quên lãng hồi đó là do nơi xảy ra vụ án quá xa so với trung tâm Sài Gòn, nơi hội tụ của những nhà báo, luật sư chuyên bóc mẽ oan sai. Bên cạnh đó, lúc này, một số báo ngành như báo Công an nhân dân đã khẳng định rằng gia đình ông Nén giết người nên bè bạn trong làng báo cũng khó mà dẫn vấn đề theo hướng điều tra phanh phui sự thật...
Và rồi thật tình cờ khi đúng lúc ông Thận đang cần có một người dẫn đường chỉ lối thì nhà báo Trần Mỹ đưa vợ con về định cư tại ngay vùng đất mà gia đình ông Nén đã sinh sống trước khi phải vào tù và chịu nỗi oan khuất. “Duyên số đã đẩy đưa tôi đến gặp ông Thận để rồi chúng tôi đã làm cái chuyện mà chẳng ai dám làm” – Ông Mỹ chia sẻ.
|
Nhà Báo Trần Mỹ gặp gỡ phóng viên báo Pháp luật Plus ngày 22/12 |
Chui vào ở trong rẫy vì sợ bị trừ khử
Loạt bài đầu tiên của nhà báo Trần Mỹ viết về oan sai của ông Nén cùng gia đình được đăng tải trên báo Văn nghệ trẻ vào tháng 1 năm 2000. Ông nhớ lại: “Ở thời điểm ấy, nó đã gây nên một làn sóng dữ dội đối với làng báo cũng như dư luận bởi tôi đã dứt khoát nổ một phát súng khẳng định rằng họ oan, nhân chứng giả, vật chứng giả, và hiện trường cũng giả”.
Khi được hỏi rằng dựa vào cơ sở nào mà giữa thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” ấy ông lại dám khẳng định ngược lại với dư luận, với cơ quan hành pháp như vậy, nhà báo Trần Mỹ cho rằng đó là do cảm quan con người và kinh nghiệm nghề nghiệp.
“Cơ sở để khẳng định oan sai trong vụ án lúc đó đối với tôi là căn cứ vào bản kết luận điều tra của điều tra viên Cao Văn Hùng. Tôi đọc kết luận điều tra và đối chiếu với những tình tiết của vụ án thì thấy đầy những mâu thuẫn không thể chấp nhận được. Nói chính xác thì đó là một bản kết luận điều tra ngụy tạo và ngụy tạo một cách vụng về” – Nhà báo Trần Mỹ khẳng định.
Thực tế, bà Mỹ - Nạn nhân trong vụ án này không biết chữ nhưng bản kết luận điều tra lại cho rằng ông Sáng nhận được thư của bà Mỹ hẹn gặp gỡ tại một buổi chiều tối trong vườn điều là một sự bất hợp lý.
Tình tiết mâu thuẫn thứ hai là bà Mỹ bị chém 98 nhát dao khắp người lẫn mặt mà bản kết luận điều tra lại khẳng định không có máu phun tại hiện trường, quần áo nạn nhân cũng không dính máu. Cánh tay của bà Mỹ bị đứt nhưng những người chứng kiến hiện trường sau khi sự việc xảy ra lại cho biết tay áo của bà Mỹ không có vết rách.
Hơn nữa, bản kết luận điều tra cũng bộc lộ rõ sự mâu thuẫn là sau khoảng thời gian 6 tháng kể từ lúc sự việc xảy ra, cơ quan chức năng tổ chức khai quật hiện trường thì con dao gây án đã dài ra thêm vài cm, đó là điều vô cùng vô lý. Bởi vậy nên loạt bài sau đó của nhà báo Trần Mỹ đã có thêm một bài mang tên “Lá thư tưởng tượng và con dao giả”.
Khi được hỏi về những khó khăn mà ông gặp phải khi đi đầu trong việc viết loạt bài điều tra về vụ án oan sai này, nhà báo Trần Mỹ đã chia sẻ nhiều điều khiến những người trong nghề phải bàng hoàng.
“Dù là không gặp và đe dọa trực tiếp nhưng nhiều kẻ đã tung tin rằng sẽ thả mấy thằng trong trại giam ra khử tôi. Lúc này nhiều đồng nghiệp của tôi đã khuyên nhủ rằng nên vào TPHCM ngay chứ nếu ở đó là chúng nó sẽ làm thật lúc nào không biết. Tôi không dám ở ngoài đường cái mà chui vào ở ẩn tận trong rẫy vì sợ bị trừ khử” - Ông Mỹ cười thật tươi khi nhớ lại chuyện đã qua.
Luôn trấn an tinh thần mọi người rằng không có gì phải sợ nhưng thật tâm lúc đó ông cũng cảm thấy lo cho gia đình mình, ngặt nỗi là lên TPHCM thì làm gì có tiền mà mua nhà cho vợ con ở, thế nên ông đành ở lại và tiếp tục “chiến đấu tay không”.
Nhận thấy nhà báo Trần Mỹ có loạt bài dài kỳ thật sự thuyết phục, đồng nghiệp của ông tại các báo cũng cùng “chung tay đánh giặc”.
Những tháng ngày sau đó, nhà báo Trần Mỹ đã viết đơn kêu oan cho tất cả những người trong gia đình ông Nén và ký tên mình rồi gửi khắp các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đến ngày 17/2/2000, báo Văn nghệ trẻ đăng thư kêu oan này của ông. Sau này khi ông Nén được minh oan thì nhà báo Trần Mỹ cũng đã gợi ý và dẫn ông cùng gia đình đến thăm báo Văn nghệ trẻ để tỏ lòng tri ân sâu sắc.