Ngày 12/12, Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm "Hợp tác thương mại hạt điều với châu Phi và các giải pháp bảo đảm nguồn cung hạt điều nguyên liệu cho Việt Nam". Nhằm đánh giá thực trạng, cơ hội và thách thức trong hoạt động nhập khẩu hạt điều nguyên liệu từ châu Phi thời gian qua, đồng thời trao đổi về các phương hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cùng hơn 70 đại biểu trực tiếp và trực tuyến từ nhiều Bộ/ngành, địa phương, viện nghiên cứu, hiệp hội và doanh nghiệp trong cả nước. Tại điểm cầu Bình Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan tham dự.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đánh giá cao sự tham dự của các đại biểu, thể hiện sự quan tâm và nhu cầu tiếp cận thị trường châu Phi và nhấn mạnh thương mại hạt điều, hợp tác trong sản xuất, chế biến hạt điều là một trong những nội dung hợp tác quan trọng với các nước châu Phi thời gian tới.
Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi đã trình bày tham luận về "Tình hình sản xuất, hợp tác chế biến, xuất nhập khẩu hạt điều trên địa bàn tỉnh và những đề xuất để đảm bảo nguồn cung hạt điều nguyên liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam".
Tham luận nêu rõ, Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ của ngành điều của Việt Nam và thế giới. Xuất khẩu điều nhân năm 2022 của tỉnh sản lượng ước đạt 160 ngàn tấn, kim ngạch đạt khoảng 990 triệu USD; nhập khẩu điều thô ước đạt hơn 750 ngàn tấn, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 980 triệu USD. Điều này cho thấy năng lực chế biến của tỉnh phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia như châu Phi, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia... và mua ngoài tỉnh bù đắp phần thiếu hụt trong chế biến, dự trữ.
Nhằm đảm bảo nguồn cung hạt điều nguyên liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam, tỉnh Bình Phước đề xuất một số giải pháp như: Đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các đại sứ quán/lãnh sự quán Việt Nam tại các nước châu Phi hỗ trợ thông tin về pháp luật đầu tư, kinh doanh của nước sở tại để doanh nghiệp Việt Nam có thể đặt văn phòng tại khu vực nhằm chủ động thu mua hạt điều; nghiên cứu xây dựng chương trình hợp tác, đầu tư về vùng nguyên liệu điều với các quốc gia lân cận hiện đang chú trọng phát triển như Campuchia, Lào.
Xây dựng bộ quy tắc về tiêu chuẩn hàng hóa hạt điều của Việt Nam dựa trên các bộ quy tắc tiêu chuẩn về hạt điều xuất khẩu của quốc tế; có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện chế biến sâu đối với sản phẩm điều nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu và tính cạnh tranh sản phẩm...
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, ngành điều từng bước thay đổi chiến lược phát triển trong sản xuất, xuất nhập khẩu… phù hợp với xu hướng mới của thị trường điều toàn cầu; chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu trong nước...