Nhà cổ Dương Văn Hổ được xây dựng và hoàn thành từ những năm 1914 trên vùng đất cù lao Bạch Đằng, mang đậm phong cách kiến trúc của một ngôi nhà Nam bộ truyền thống.
Cho đến nay, đã qua nhiều thế hệ ngôi nhà vẫn được gìn giữ và bảo tồn, đây là một chứng tích ghi dấu quá trình hình thành, phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội của người Nam bộ trên vùng đất cù lao xanh - cù lao Bạch Đằng.
|
Nhà cổ Dương Văn Hổ tọa lạc tại ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thành phố khoảng 5km, nhà cổ được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 2430 ngày 25/8/2020. |
|
Ngôi nhà đã trải qua ba thế hệ sinh sống và gìn giữ cho đến nay, thế hệ thứ nhất là ông Dương Văn Hổ và bà Trần Thị Xíu, thế hệ thứ hai là ông Dương Văn Bảnh - con trai ông Dương Văn Hổ và thế hệ thứ ba là ông Dương Hồng Điệp cùng ông Dương Tấn Hòa cháu nội ông Dương Văn Hổ (người trong hình). |
|
Ông Dương Tấn Hòa cho biết, ngôi nhà gỗ này do ông Trần Hữu Nhâm (cha vợ ông Dương Văn Hổ) xây dựng từ năm 1911 đến năm 1914 hoàn thành. |
|
Nền nhà cao hơn sân vườn 800cm, bó vỉa bằng đá xanh Bửu Long (P. Bửu Long, TP. Biên Hòa ngày nay) và gạch lửa trộn cùng vữa (làm từ vôi trộn cùng mật đường, a dao – da trâu nấu thành keo). |
|
Ngôi nhà được xây dựng theo dạng chữ Đinh (丁), mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu đỏ, có ba gian, hai chái, cửa ngôi nhà chính (nhà trên) trổ ra phía trước nhà, cửa ngôi nhà phụ (nhà dưới) trổ ra đầu hồi của ngôi nhà. |
|
Phía trên mái, các đoạn kèo, xà được đấu nối với cột bằng lối ghép mộng, không dùng đinh sắt. Chủ ngôi nhà đưa đội ngũ thợ mộc Huế khéo tay vào làm, ăn ở suốt hơn 3 năm để chạm, khắc họa tiết tinh xảo trong ngôi nhà gỗ này. Mỗi một kèo sẽ được chạm, khắc hình long, phụng, tứ quý, chim muông, hoa lá, bát bảo,... |
|
Các đầu kèo và đuôi kèo được chạm khắc, chạm nổi hình đầu đao, lá cúc, lá dung cách điệu. |
|
Ông Dương Tấn Hòa cho biết, ngôi nhà gỗ này lúc trước có tổng cộng 60 cột gỗ như các loại gỗ quý như gõ đỏ, gõ mật… sau này do thời gian, mưa nắng hư hết 10 cây ở trước thềm nhà giờ chỉ còn lại 50 cột gỗ ở trong nhà. Kết cấu gỗ được chia làm 5 hàng gỗ, cột gỗ chia làm 3 loại: hàng cột chính ở giữa đỡ đòn giông (cột nhất, cột cái) ngôi nhà cao 4.5 mét, đường kính cột từ 25 – 30cm, hai hàng cột nhì cao 3.5 mét, đường kính cột 21 – 27cm và hai hàng cột ngoài cùng cao 2.2 mét, đường kính 21 – 25cm. |
|
Phía trên gian giữa là tấm hoành phi (dịch: Dương Phủ Đường). |
|
Cây đèn dầu treo gian giữa được ông Trần Hữu Nhâm (cha vợ ông Dương Văn Hổ) mua từ Pháp gửi về từ những năm 1914 tạo nên một không gian cổ kính. |
|
Ngôi nhà vẫn được các thế hệ của dòng họ Dương gìn giữ, bảo quản cho đến nay, trở thành một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo còn được bảo tồn nguyên vẹn trên vùng đất Bình Dương. |