Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bình Dương, Nhật Bản đứng thứ 2 với 357 dự án có tổng vốn đầu tư 5 tỷ 978 triệu đô la Mỹ, chiếm 8% về số dự án và 14% về số vốn. Ấn tượng nhất là dòng vốn FDI Nhật Bản “chảy” liên tục vào các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, bất động sản và các dự án có chọn lọc cao về công nghệ, kinh tế tuần hoàn.
Dòng vốn “xanh” ấn tượng
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương 9 tháng đầu năm 2024 phục hồi tương đối tích cực, khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 4,2%); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
|
Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bình Dương, Nhật Bản đứng thứ 2 với 357 dự án có tổng vốn đầu tư 5 tỷ 978 triệu đô la Mỹ, chiếm 8% về số dự án và 14% về số vốn. |
Với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, trong những năm gần đây, Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính từ ngày 1/1/2024 đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 1 tỷ 675 triệu đô la Mỹ vốn FDI gồm 179 dự án mới, 141 dự án điều chỉnh tăng vốn và 108 dự án góp vốn mua cổ phần. Lũy kế đến ngày 15/11/2024, toàn tỉnh có 4.372 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 42 tỷ 113 triệu đô la Mỹ.
Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Bình Dương, Nhật Bản đứng thứ 2 với 357 dự án và tổng vốn đầu tư 5 tỷ 978 triệu đô la Mỹ, chiếm 8% về số dự án và 14% về số vốn. Điển hình dự án của Công ty TNHH Becamex Tokyu với lĩnh vực đầu tư chủ yếu là xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị chất lượng cao, Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics, Công ty cổ phần Sun Steel đầu tư tập trung vào lĩnh vực ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt là 2 dự án Trung tâm mua sắm Aeon - Bình Dương Canary và Trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị Aeon - Thành phố mới Bình Dương với tổng số vốn đăng ký hơn 150 triệu đô la Mỹ. Đây là 2 trung tâm thương mại lớn cung cấp đa dạng dịch vụ mua sắm, ẩm thực và giải trí, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và lân cận.
|
Trung tâm mua sắm Aeon - Bình Dương Canary và Trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị Aeon - Thành phố mới Bình Dương với tổng số vốn đăng ký hơn 150 triệu đô la Mỹ. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong các dự án FDI, nguồn vốn đầu tư, hợp tác phát triển xanh đến từ Nhật Bản đang góp phần tạo bước chuyển mới trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương.
Ông Nozaki Takao, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại TP HCM (JCCH) đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương, đặc biệt là môi trường thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng và các định hướng quy hoạch, xây dựng thành phố thông minh. Ông Nozaki Takao cho biết JCCH hiện có 1.061 hội viên, tập trung chủ yếu tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Có nhiều DN Nhật Bản dự tính mở rộng kinh doanh tại Bình Dương, vì họ kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu và tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng.
Ông Teiku Kitayama, Giám đốc, Trưởng bộ phận đầu tư Ban phát triển kinh doanh Tập đoàn IHI (Nhật Bản), cho biết tập đoàn đã nghiên cứu hiện trạng, quy hoạch, hạ tầng giao thông công nghiệp tại Bình Dương và nhận thấy tiềm năng, cơ hội đầu tư vào đây rất lớn. Tập đoàn mong muốn góp phần cùng địa phương phát triển trong thời gian tới. Lãnh đạo tập đoàn cũng đã gặp gỡ trao đổi cơ hội, ý tưởng đầu tư vào Bình Dương với Tổng Công ty Becamex IDC.
Phát triển xanh hút dòng vốn “xanh”
UBND tỉnh Bình Dương vừa phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM tổ chức đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản để tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và mời gọi thu hút đầu tư theo định hướng của tỉnh. Ông Ono Masuo - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM và ông Nguyễn Lộc Hà –Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM, các sở, ban ngành tỉnh cùng hơn 80 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Bình Dương.
|
Bình Dương tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN Nhật Bản đầu tư, hợp tác phát triển, tham gia chuỗi sản xuất, dịch vụ toàn cầu, trở thành điểm đến ưa chuộng của DN Nhật Bản cùng DN toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp. |
Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định tỉnh đang chú trọng thu hút dự án có các giải pháp hiệu quả bảo đảm môi trường sinh thái bền vững từ các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Để tiếp tục thu hút đầu tư chất lượng, trong quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến 2050, xác định các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược gắn với phát triển xanh, bền vững, mở rộng các kết nối về giao thông, đặc biệt là kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình Phước), kết nối về khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực để tạo động lực chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới. Bình Dương tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN đầu tư, hợp tác phát triển, tham gia chuỗi sản xuất, dịch vụ toàn cầu, trở thành điểm đến ưa chuộng của DN toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp.
Còn ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết, ngày 3/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, Bình Dương đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, và là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại. Xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp và quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới. Bình Dương tiếp tục hoàn thành gần 200km đường vành đai, cao tốc kết nối vùng. Song song đó, tỉnh sẽ hình thành vành đai công nghiệp, với quy mô trên 20.000 ha.
|
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. |
Định hướng trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ với tầm nhìn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Yoshii Konosuke, Giám đốc IHI Việt Nam, cho biết Tập đoàn IHI là DN lâu đời tại Nhật Bản, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng, phát triển hạ tầng, công trình giao thông, chế tạo thiết bị công nghiệp, tài nguyên, năng lượng, môi trường… Các dự án đầu tư tại Việt Nam vừa qua của tập đoàn là một trong những cam kết mạnh mẽ với Bình Dương về tính hiệu quả của quá trình đầu tư và hợp tác giữa 2 bên. IHI mong muốn hợp tác và đầu tư tại Bình Dương về các dự án hạ tầng, công nghiệp xanh gắn với định hướng phát triển của tỉnh.
Ông Nozaki Takao, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM đề nghị thời gian tới, hiệp hội sẽ tổ chức nhiều sự kiện giao lưu giữa DN Nhật Bản và Việt Nam. Hiệp hội mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Bình Dương; mong muốn tỉnh tiếp tục có những buổi hội thảo, đối thoại giúp DN Nhật Bản có cơ hội trao đổi, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Lộc Hà đề nghị các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn IHI (Nhật Bản) tìm hiểu những tiềm năng đầu tư phát triển tại Bình Dương, trên cơ sở chủ trương phát triển xanh hóa nền kinh tế (sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh...) của tỉnh. Ông cũng cho biết Bình Dương rất quan tâm dự án đầu tư có các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, tái chế rác và xử lý nước thải...
Hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược Nhiều năm qua, môi trường đầu tư tại Bình Dương tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược. Điều này đã khẳng định vị thế, thương hiệu của Bình Dương trong lĩnh vực thu hút FDI trên bản đồ thế giới. Các nhà đầu tư chiến lược từ Nhật Bản cho rằng Bình Dương luôn là một lựa chọn tốt nhất bởi những ưu điểm về vị trí địa lý, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực… đặc biệt là tinh thần đồng hành của chính quyền địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Trong đó, các doanh nghiệp, tập đoàn đến từ Nhật Bản, với các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao với nhiều dự án đầu tư thế hệ mới, phản ánh sự nỗ lực, không ngừng cải thiện, tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư của Bình Dương. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để tỉnh tăng tốc thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian tới. Ông Nagato Takahiko, Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương cho rằng, thời gian các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo chính quyền đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, xuất khẩu. “Từ sau dịch Covid-19 đến thời điểm hiện tại, tình hình sản xuất của một số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương vẫn đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Dương. Chúng tôi tin vào chính sách phát triển thu hút đầu tư của tỉnh và tiếp tục đầu tư tại đây”, ông Nagato Takahiko nhấn mạnh. |