Ngày 16/11, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh rút Nga khỏi Quy chế Rome – hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì tổ chức này không đáp ứng được kỳ vọng trở thành một cơ chế công lý quốc tế thực sự độc lập, có thẩm quyền.
|
Biểu tượng của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). (Ảnh: AP) |
Theo Reuters, năm 2000 Nga đã ký tham gia Quy chế Rome để thành lập ICC nhưng không phê chuẩn hiệp ước này.
Được biết, quyết định trên của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi ICC hôm 14/11 kết tội việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 là một cuộc xung đột vũ trang. Ngoài ra tổ chức này cũng cho rằng Nga đã phạm phải tội ác chiến tranh trong cuộc chiến giữa Nga và Gruzia hồi năm 2008.
“Thật tiếc là ICC đã không hoạt động được như kỳ vọng để trở thành một cơ chế công lý quốc tế thực sự độc lập, có thẩm quyền”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga viết.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, trong 14 năm tồn tại, tổ chức này chỉ đưa ra được 4 phán quyết và tiêu tốn hơn 1 tỉ USD.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov nói với giới phóng viên rằng việc rút lui của Moscow là phù hợp với “lợi ích quốc gia” và hành động này chỉ mang tính hình thức vì Nga chưa bao giờ phê chuẩn Quy chế Rome.
ICC được thành lập vào năm 1998 với 120 quốc gia thành viên. Hiện tổ chức này có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Đây là "tòa án cuối cùng" và xét xử 4 loại tội phạm: tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác xâm lược và tội ác chiến tranh.