Năm 2024, Tiền Giang có thêm 18 xã nông thôn mới nâng cao, vượt 80% kế hoạch; 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 42,9%; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 100% kế hoạch.
Tăng trưởng toàn ngành đạt 4%
Sáng 28/12, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, năm 2024, kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết, tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đặt 4%, so với kế hoạch vượt từ 0,2-0,5%.
100% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 96,77%, vượt kế hoạch đề ra.
Xây dựng nông thôn mới đạt và vượt kế hoạch đề ra.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng (bìa trái) đánh giá cao các sản nông nghiệp địa phương. |
Trong năm, tỉnh có thêm 18 xã nông thôn mới nâng cao, vượt 80% kế hoạch; 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 42,9%; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 100% kế hoạch.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 68/135 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 14/135 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 11/11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 2/8 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Năm 2025, Tiền Giang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 3,9-4,2%.
Trong xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm sẽ có 100% xã nông thôn mới, 52,59% xã nông thôn mới nâng cao, 14,07% xã nông thôn mới kiểu mẫu, 11/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 3/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, dự báo tới tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra, giá vật tư nông nghiệp có thể ở mức cao, dịch bệnh trong chăn nuôi, thủy sản có thể xảy ra.
Dự báo tình hình xâm nhập mặn năm 2025
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang chỉ rõ, năm nay, hạn mặn đến sớm hơn 25 ngày so với năm rồi và phương án chống hạn mặn năm nay cũng tương tự.
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là diện tích lúa đông xuân sạ sau ngày 20/12.
Từ 20-27/12, bà con đã xuống giống 1.700ha, còn khoảng 860ha đang thu hoạch có khả năng tiếp tục xuống giống.
Nếu tháng 2-3/2025, xâm mặn phức tạp, có khả năng gây thiệt hại cao.
Theo dự báo, khả năng những ngày cuối tháng 1 đầu tháng 2/2025 mặn lớn hơn 1g/l sẽ xâm nhập đến khu vực xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) và duy trì trong thời gian dài nên cống Xuân Hòa khả năng chuyển sang vận hành lấy gạn (lấy nước khi nước triều rút độ mặn giảm) nên ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công.
|
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang. |
Ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang dự báo: “Xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng tương đương so với năm 2023-2024, có thời điểm xâm nhập mặn sẽ cao hơn so với năm 2024”.
Để đạt được mục tiêu, ngành NN-PTNT Tiền Giang đã đưa ra nhiều giải pháp như tập trung giải pháp phòng chống hạn mặn bảo vệ sản xuất, tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, tổ chức tuyên truyền về phòng chống khai thác IUU và phòng chống thiên tai, củng cố nâng chất hoạt động các hợp tác xã, từng bước ứng dụng chuyển đổi số ngành nông nghiệp…
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng ngành NN-PTNT cần quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp thực hiện nhiệm năm 2025.
Đặc biệt trong giai đoạn sắp xếp tổ chức lại bộ máy, đơn vị hoạt động theo hướng sáp nhập 2 ngành NN-PTNT và Tài nguyên và Môi trường không để gián đoạn công việc.
Ngoài ra, đối với tình hình hạn mặn ông Phạm Văn Trọng nhấn mạnh, các cơ quan chuyên môn tập trung công tác dự báo, phân tích tình hình, cảnh báo về thiên tai cho người dân, đưa ra sớm chừng nào, độ chính xác càng cao càng tốt.