Theo Cục điều tiết điện lực, trong tuần từ 15-21/4/2024 nắng nóng diễn ra tại các miền trên cả nước, nhu cầu phụ tải tiếp tục duy trì ở mức cao. Riêng miền Bắc phụ tải bình quân tuần qua tăng hơn 13 triệu kWh/ngày so với tuần trước đó do nắng nóng vào cuối tuần.
Nước về các hồ thuỷ điện đạt thấp
Theo đó, sản lượng trung bình ngày là 881,2 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 2,4 triệu kWh (cao hơn so với phương thức tháng 4 khoảng 15,5 triệu kWh). Riêng miền Bắc phụ tải bình quân tuần qua tăng hơn 13 triệu kWh/ngày so với tuần trước đó do nắng nóng vào cuối tuần.
Trong tuần qua (tuần từ 15-21/4/2024), tình hình nước về các hồ thủy điện ở khu vực miền Bắc đạt thấp, chỉ đạt khoảng 25 – 80% trung bình nhiều năm, miền Trung có 21/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm từ 17-92% còn lại một số hồ có nước về tốt từ 116-251% trung bình nhiều năm như ĐakĐrinh, Thượng KonTum, Đak Re.
Trong khi miền Nam ngoại trừ Đồng Nai 2, Trị An có nước về cao hơn trung bình nhiều năm, các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 24-74%.
|
Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh EVN |
Đến thời điểm hiện tại, lượng nước tích trong các hồ vẫn đang thấp hơn so với kế hoạch tháng do sản lượng theo nước về (cả thủy điện nhỏ) các ngày trong tuần trung bình khoảng 57,3 triệu kWh/ngày, thấp hơn 28 triệu kWh/ngày so với phương thức tháng 4 (85,3 triệu kWh/ngày).
Trước tình hình nắng nóng bắt đầu gia tăng tại miền Bắc, nhu cầu phụ tải tăng cao thủy điện sẽ tiếp tục được huy động và khai thác đều cho đến dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Trên cơ sở đó, Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương) đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục tiết kiệm triệt để các hồ thuỷ điện.
Tại khu vực miền Bắc, tiết kiệm triệt để các hồ thủy điện, đặc biệt các hồ có mực nước thấp. Thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để huy động các nhà máy thuỷ điện phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đồng thời giữ nước cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện.
Đối với miền Trung và miền Nam, huy động tiết kiệm các thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện.
Cùng với đó, huy động các nhà máy nhiệt điện than theo nhu cầu hệ thống, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, quán tính hệ thống và chất lượng điện áp.
Không chỉ vậy, việc huy động các nhà máy tuabin khí cũng được tính toán theo nhu cầu hệ thống, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, chất lượng điện áp và yêu cầu vận hành an toàn, ổn định của các mỏ khí. Cùng với đó, huy động cao nhất có thể nguồn năng lượng tái tạo theo nguồn nhiên liệu sơ cấp, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và không làm quá tải các phần tử trên hệ thống điện. Ngoài ra, sẽ huy động các nguồn chạy dầu khi cần thiết, cũng như tạo điều kiện cho các nhà máy điện mới thử nghiệm.
Tục thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm
Trước tình hình thủy văn và nhu cầu phụ tải tăng cao, công tác vận hành nguồn tại khu vực miền Bắc, cơ quan chức năng Bộ Công thương đề nghị các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để huy động các nhà máy thuỷ điện phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi.
|
Nắng nóng kéo dài, Miền Bắc tăng hơn 13 triệu kWh/ngày. Ảnh |
Tại khu vực miền Trung và miền Nam, sẽ huy động tiết kiệm các thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện. Đồng thời, đưa các nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành AGC (hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh tăng giảm công suất) theo điều kiện giám sát công suất trên cung đoạn Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan trong các khung giờ thấp điểm trưa ngày nghỉ lễ và ngày chủ nhật do quá giới hạn truyền tải.
Đồng thời, huy động các nhà máy BOT (Duyên Hải 2, Phú Mỹ 22, Vân Phong 1) để đảm bảo yêu cầu bao tiêu, phần sản lượng trên bao tiêu huy động theo giá và nhu cầu hệ thống.
Đối với các nhà máy nhiệt điện, tiếp tục triển khai các giải pháp đặt các ràng buộc trong công tác lập lịch nhằm khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than miền Bắc và truyền tải trên các cung đoạn đường dây 500kV Trung - Bắc, cung đoạn đường dây 500kV Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan với mục tiêu giữ nước các hồ thủy điện miền Bắc.
Ngoài ra, tận dụng khả năng truyền tải trong các khung giờ thấp điểm trưa để tiết kiệm thủy điện miền Bắc, theo đó truyền tải trên cung đoạn 500kV Nho Quan - Nghi Sơn duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép với sản lượng truyền tải trong tuần 27.5 - 34.4 triệu kWh, công suất truyền tải tối đa có thời điểm ghi nhận đạt 2421 MW.
Đối với năng lượng điện gió, điện mặt trời, tuần qua, sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 105,1 triệu kWh (thấp hơn 6,5 triệu kWh so với kế hoạch tháng 4), trong đó nguồn gió là 13,9 triệu kWh (thấp hơn 13,9 triệu kWh so với kế hoạch tháng 4). Do vậy, công tác huy động sẽ thực hiện theo công bố và khả năng phát dự kiến theo năng lượng sơ cấp của nhà máy có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống.
|
Các đơn vị điện lực tại các tỉnh/TP đã liên tục xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó, xử lý sự cố điện và tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra. |
Theo dự báo, năm 2024 tại miền Bắc, thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất thường, sẽ có nhiều đợt nắng nóng, phụ tải điện dự kiến tăng cao đột biến vào các khung giờ cao điểm từ 12 giờ đến 15 giờ và từ 21 giờ đến 24 giờ hằng ngày và việc cấp điện mùa mưa bão sẽ gặp khó khăn.
“Bên cạnh việc diễn tập để chủ động ứng phó và xử lý khi xảy ra sự cố, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định Công ty Điện lực Bắc Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng phương án cung cấp điện; triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải (DR), tiết kiệm điện; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, cải tạo lưới điện; tăng cường tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện; ngăn ngừa việc phát sinh những điểm có nguy cơ vi phạm an toàn hành lang lưới điện…
Làm việc với các doanh nghiệp để dịch chuyển thời gian sản xuất, hạn chế tối đa sử dụng điện vào các khung giờ cao điểm, cũng như thống nhất để sẵn sàng huy động máy phát điện dự phòng của khách hàng khi xảy ra thiếu nguồn”, phía Điện lực Bắc Giang thông tin.
Tiến độ đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) Theo đó, tính cho đến nay, đã hoàn thành ký kết hợp đồng cho 225/226 gói thầu, còn 01 gói thầu cung cấp kháng điện của Dự án ĐZ 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu hiện đang hoàn thiện các thủ tục lựa chọn lại nhà thầu. Để đảm bảo tiến độ đóng điện của các Dự án, EVNNPT đã có kế hoạch điều động thiết bị hiện có trên lưới phục vụ cho công trình 500kV mạch 3. Để hoàn thành đóng điện dự án theo đúng tiến độ được Thủ tướng Chính phủ giao, EVN/EVNNPT đang quyết liệt đôn đốc các nhà thầu xây dựng tập trung nhân lực, máy móc thi công sớm hoàn thành xây dựng móng cột và tổ chức thực hiện lắp dựng cột, rải căng dây theo tiến độ cam kết. Đôn đốc các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị (cột thép, sứ, phụ kiện, cáp quang và dây dẫn…) khẩn trương hoàn thành công tác chế tạo và vận chuyển đến công trường để lắp dựng đồng bộ. Dự kiến kế hoạch triển khai tiếp theo của các Dự án. |