Theo tờ The Wall Street Journal, việc Mỹ và NATO tăng cường vũ khí áp sát Nga là chuẩn bị cho cuộc chiến với Moskva.
Mỹ dồn quân
Cuối tháng 4/2016, Mỹ đã chuyển số lượng lớn các vũ khí tối tân gồm xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1, xe bọc thép Stryker và số lượng lớn xe bọc thép khác đến Bulgaria bằng đường sắt và tập kết chúng tại căn cứ quân sự Novo Selo của quốc gia Đông Âu này.
Việc dồn vũ khí này là một phần trong thỏa thuận quân sự mới giữa Mỹ và Bulgaria được hai bên ký kết vào đầu năm 2015 cho phép Quân đội Mỹ hiện diện nhiều hơn tại nước này nhất là tại các khu vực áp sát Biển Đen.
Mỹ còn điều động chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor cùng phi đội máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 của mình đến Romania. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ triển khai F-22 sát khu vực Biển Đen.
Giải thích cho điều này Washington cho rằng đây là hành động cần thiết để tăng cường an ninh của các nước đồng minh NATO và các đối tác ở Châu Âu.
Ngoài ra, Mỹ còn cáo buộc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự tại phía Tây đe dọa nghiêm trọng đến an ninh các nước Châu Âu và việc triển khai F-22 sẽ là giải pháp tốt để ngăn bước tiến của Moscow.
|
Mỹ triển khai tiêm kích F-22 tại Romania. |
Không chỉ tăng cường vũ khí, The Wall Street Journal còn cho rằng Mỹ cùng với NATO chuẩn bị phê duyệt kế hoạch tăng cường hiện diện dọc sườn phía Tây của nước Nga. Có khả năng các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ thông qua quyết định này tại cuộc họp vào tuần tới.
Tuy nhiên, tờ báo này cho biết, cuộc họp này mới chỉ quyết định những đường nét cơ bản của kế hoạch, còn cho tiết về tổng số quân và số lượng binh sĩ mà mỗi nước thành viên phải cung cấp sẽ được quyết định muộn hơn, trong các hội nghị vào cuối năm nay.
The Wall Street Journal còn tiết lộ, nhóm quân này sẽ tập trung ở Lithuania, Latvia, Estonia và Ba Lan. Hãng tin Anh Reuters cho biết thêm, NATO không có ý định bố trí các căn cứ quân sự thường trực ở Ba Lan, bất chấp yêu cầu của chính quyền Warsaw.
Theo dữ liệu của Reuters, kế hoạch gia tăng lực lượng NATO ở châu Âu có quy mô lớn nhất kể từ thời "chiến tranh lạnh" cho đến nay. Mục đích tăng cường quân lực về phía Đông của liên minh được giải thích bởi sự lo ngại trước các hành động của Nga, đặc biệt, việc Nga sáp nhập Crimea.
Hồi đầu tháng 2/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cho biết rằng, Mỹ sẽ tăng gấp 4 lần đầu tư quân sự vào châu Âu, từ 800 triệu lên đến 3,4 tỷ USD.
Tờ The Wall Street Journal ghi chú rằng, số tiền này sẽ cho phép Washington có kinh phí để thực hiện các yêu cầu như gia tăng lực lượng quân sự Mỹ hiện diện ở châu Âu trên cơ sở luân chuyển, bố trí thêm và lưu trữ các loại vũ khí hạng nặng ở châu Âu để Mỹ có thể nhanh chóng triển khai các đơn vị của mình khi khủng hoảng xảy ra.
Trong khi đó, NATO cũng thúc đẩy các nước thành viên khối này nằm ở phía đông (tức phía tây Nga) liên kết tự xây dựng lực lượng phản ứng nhanh để “tự bảo vệ mình”.
Ngày 25/1 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cho biết, một lữ đoàn hỗn hợp gồm các đơn vị từ các nước Litva, Ba Lan và Ukraine sẽ được đưa vào hoạt động đầy đủ từ năm 2017. Hiện các đơn vị thành viên đang ráo riết hợp luyện để nâng cao khả năng phối hợp tác chiến.
Ông Macierewicz cho biết, lữ đoàn hỗn hợp này sẽ là “một trong những hình mẫu hợp tác quân sự chính ở sườn phía Đông của khối quân sự NATO, sở chỉ huy của lữ đoàn hỗn hợp này sẽ được đặt tại tại thành phố Lublin của Ba Lan.
Theo kênh truyền hình TVN21 của Ba Lan, các đơn vị của lữ đoàn vẫn sẽ đồn trú tại những căn cứ của mình ở nước sở tại là Litva, Ba Lan và Ukraine. Các đơn vị chỉ tập hợp lại khi tiến hành các cuộc tập trận chung hoặc thực hiện các nhiệm vụ quân sự chung.
Được biết, ba quốc gia này đã ký một thỏa thuận về việc thành lập Lữ đoàn hỗn hợp đa quốc gia Litva-Ba Lan-Ukraine (LITPOLUKRBRIG) vào tháng 9/2014. Lữ đoàn này dự kiến sẽ hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Ý tưởng thành lập lữ đoàn LITPOLUKRBRIG đã được đề xuất từ năm 2007, khi Lithuania, Ba Lan và Ukraine quyết định thành lập một tiểu đoàn chung. Một năm sau, kế hoạch này trở nên tham vọng hơn khi 3 nước muốn thiết lập nên một lữ đoàn liên hợp.
Mỹ có chiếm được lợi thế trước Nga
Những kế hoạch và hành động của Mỹ và NATO đang được thực hiện nhằm áp đảo trước Nga, tuy nhiên Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, Trung tướng Ben Hodges đã nêu lên ba yếu tố khiến NATO yếu thế trước quân đội Nga và làm cho họ trở nên dễ bị tổn thương, trong trường hợp khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có xung đột quân sự với Moscow.
Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phòng thủ của khối là thiếu các phương tiện liên lạc vô tuyến điện được bảo mật, mà với sự hỗ trợ của chúng, quân đội Mỹ và các đồng minh của họ có thể truyền thông tin cho nhau một cách an toàn mà không sợ bị nghe trộm.
Trước đó, các quân nhân Mỹ tham gia các cuộc tập trận chung NATO nhận xét, những trang bị thông tin của đồng minh Mỹ không đủ độ bảo mật trước các phương tiện trinh sát điện tử của Nga, khiến họ phải sử dụng phương thức cổ điển là dùng con người để truyền mật lệnh.
Công nghệ vô tuyến Mỹ cho phép liên lạc ở mức độ bảo mật rất cao, nhưng do hạn chế về luật xuất khẩu, các loại điện đài Mỹ không được cung cấp cho quân đội đồng minh, vì vậy họ sử dụng các thiết bị thông tin đơn giản hơn, dẫn đến tính năng bảo mật kém và không đồng bộ với nhau.
Điểm yếu chết người thứ 2 của các nước thuộc khối NATO là thiếu một chuẩn thông tin chung và hệ thống mạng lưới chia sẻ thông tin thống nhất, vốn có thể cho phép Hoa Kỳ và các đồng minh chia sẻ các thông tin chiến trường và theo dõi quá trình tác chiến của nhau theo thời gian thực.
Đối với các nước NATO ở châu Âu, ngoài một vài quốc gia có khả năng công nghệ ngang ngửa với Mỹ như Đức, Anh, Pháp, còn lại là những quốc gia thường thường bậc trung, trình độ khoa học kỹ thuật quân sự kém Nga rất xa, dẫn đến việc thiếu đồng bộ về vũ khí, trang bị và thiết bị thông tin.
Điều này khiến quân đội các nước NATO chỉ có khả năng trao đổi yêu cầu nhiệm vụ trước khi tiến hành hoạt động quân sự, còn sau đó, khả năng phối hợp hiệp đồng trong thực tế chiến trường gần như bằng con số 0, làm giảm khả năng tác chiến tổng thể.
Yếu tố thứ ba khiến quân đội của khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có thể thất bại trước Nga là thiếu một hệ thống chỉ huy-kiểm soát đáng tin cậy, vốn có thể liên kết các radar, vũ khí pháo binh và các quân nhân tại chiến trường vào thời điểm hạ lệnh nổ súng.
Sự thiếu đồng bộ này không chỉ gây khó khăn trong phối hợp, hiệp đồng tác chiến đối với một lực lượng quân sự hỗn hợp đa quốc gia mà còn có thể là điểm yếu rất lớn để Nga khai thác, chặn thu các thông tin bí mật hoặc đánh phá hệ thống thông tin chỉ huy kiểm soát, khiến NATO thảm bại trên chiến trường.