Đó là hoàn cảnh của chị Hoàng Thị Huệ (53 tuổi), quê ở thôn Yên Thủy (xã Yên Trạch, huyệnCao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) hiện đang sống tại Xóm Cột Cờ (xóm chạy thận), ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Gia đình chị sống tại một vùng quê nghèo lại thêm gia đình thuộc diện kinh tế khó khăn, kinh tế đã không có giờ chị mang trong mình hai căn bệnh hiểm nghèo phải chạy chữa hằng ngày.
Chị Hoàng Thị Huệ mắc hai căn bệnh hiểm nghèo trong suốt 8 năm nay. (Ảnh: Nguyễn Thơm). |
Năm 2004, người con trai thứ nhất của chị đột ngột qua đời do tai nạn giao thông, vợ chồng chị đau đớn khôn siết. Không lâu sau, chị đi khám và phát hiện mình bị ung thư vú.
Nỗi đau chồng chất lên nỗi đau, hai vợ chồng lên Bệnh viện K Trung ương chữa chạy. Đứa con trai chưa tròn 3 tuổi phải nhờ người trông nom, chăm sóc ở quê nhà. Bệnh tình không thuyên giảm mà còn biến chứng ra các bệnh khác, sau một năm, chị mắc thêm bệnh suy thận, cứ cách một ngày chị lại đi chạy thận một lần và một tháng phải đi kiểm tra, lấy thuốc chữa ung thư.
Một mình chống chọi với bệnh tật nơi đất khách quê người, chồng phải ở quê nhà chăm con và làm nụng lấy tiền cho chị chữa chạy. Nhiều lúc, chị thấy tủi thân vì có những cơn đau, nỗi buồn mà không biết san sẻ cùng ai. Nhưng khi nghĩ về chồng chị cũng thương: “Từ ngày tôi bị bệnh, chồng tôi cứ hôm nay lên đây, mai lại phải về vì phải về nhà làm và nuôi con nữa. Giờ gia đình không còn ai, ông bà mất hết rồi, họ hàng đi làm ăn xa nên chỉ nhở cả vào chồng thôi”.
Căn bệnh suy thận và ung thư vú 8 năm qua của chị khiến gia đình kiệt quệ, số nợ lên đến gần trăm triệu đồng mà không có khả năng chi trả. Gần 2 năm nay, bệnh ung thư di căn lên não khiến vợ chồng chị chết đứng. Đã nghèo lại mắc cái eo, 2 căn bệnh hiểm nghèo như án tử thần, chị Huệ còn bị một loạt biến chứng kèm theo như: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, suy gan, suy tim, người phù nề,… đi lại hết sức khó khăn.
Trong suốt 8 năm chạy thận, chị chỉ về qua nhà được một lần duy nhất. Chị nói trong nước mắt: “Tôi có nhà, có cửa, có ruộng vườn nhưng có được ở đâu, có chồng con nhưng luôn phải chịu cảnh ở một mình. Giờ tôi chẳng làm được gì cả, nhờ hết vào chồng và con. Thằng con cả nhà tôi mà còn sống thì giờ nó cũng giúp được cho gia đình, nhưng nó bị tai nạn mất lâu rồi. Còn thằng này thì cũng sắp phải mồ côi mẹ”.
Cậu con trai không học hè mà lên Hà Nội để phụ mẹ đi bán trà đá. (Ảnh: Nguyễn Thơm). |
Nhìn đứa con, chị không thể kìm nổi nước mắt vì thương con, chị tâm sự: “Nó xem trên tivi thấy những đứa trẻ khác được tổ chức sinh nhật, nó cũng tâm sự với tôi muốn được bố mẹ tổ chức sinh nhật cho một lần nhưng giờ gia cảnh thế này, tiền ăn còn không đủ thì lấy đâu ra để tổ chức một lần cho con.
Tôi cũng mong muốn những ngày cuối cùng của cuộc đời có thể tổ chức cho con một bữa tiệc sinh nhật để cho nó có một ngày sinh nhật vui vẻ trọn vẹn có cả bố và mẹ. Chỉ nghĩ đến cảnh đây là lần cuối cùng sinh nhật nó mà tôi có ở bên cạnh, tôi lại rơi nước mắt”.
Để thực hiện mong ước đó của con, chị hằng ngày vẫn đi bán trà đá, chắt chiu từng đồng một cố gắng có đủ tiền mua một chiếc bánh sinh nhật cho cậu con trai. Mong ước tưởng chừng đơn giản nhưng lại quá xa vời với chị, bởi chị sức khỏe ngày càng yếu, chân, tay bị mỏi, tê cứng thường xuyên không thể đi lại được.
Người phụ nữ mang trong mình hai căn bệnh hiểm nghèo ấy vẫn mong muốn có một ngày sinh nhật vui vẻ của con trai trọn vẹn và hạnh phúc cùng gia đình yêu quý của mình. Điều mong muốn ở những ngày cuối cùng của cuộc đời chị Huệ. Mong rằng, những tấm lòng bao dung, nhân ái sẽ giúp hai mẹ con chị biến mong muốn đó thành sự thật.
Tags: