Thấy ngành công an vừa không tốn học phí, lại không phải lo tìm việc khi ra trường nên họ đã quyết bằng mọi giá cho con vào Đại học An ninh.
|
Bị cáo Trung tại phiên tòa. |
Cuộc đời của bố mẹ vốn quá khó khăn, vất vả nên từ khi mới sinh con, hai người mẹ ấy đã mong muốn sau này các con của mình lớn lên phải được học hành tới nơi tới chốn.
Khi thấy ngành công an vừa không tốn học phí, lại không phải lo tìm việc khi ra trường, đặc biệt là ngành này có vị trí rất tốt trong xã hội nên họ đã quyết bằng mọi giá cho con vào Đại học An ninh. Tuy nhiên, giấc mơ không những không thành mà hai người mẹ lại vướng vòng lao lý.
Hồ sơ vụ án thể hiện, thấy học lực của con còn yếu nên Đoàn Thị Thanh (sinh năm 1968, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) tìm người có khả năng “chạy trường” để “lo” cho con mình thi đậu vào đại học.
Qua giới thiệu của người quen tên Nguyễn Minh Thành là hàng xóm với Thanh, Thanh gặp Trần Dương Trung (sinh năm 1968, ngụ phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh - hành nghề giám sát công trình xây dựng) để “đặt vấn đề” nhờ Trung lo giúp.
Trung nhận lời và ra giá 150-200 triệu đồng/ suất, bao đỗ vào Trường Đại học An ninh. Là chỗ thân quen nên khi biết Trần Thị Tuyết Trinh (sinh năm 1974, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) cũng có nhu cầu giống mình, nên Đoàn Thị Thanh đã liên lạc với Trinh để báo “tin vui” nhằm cùng nhau đưa các con vào ngành công an.
Sau đó, Trinh cũng tìm gặp và nhờ Trung giúp một suất cho con mình thi đỗ vào Trường Đại học An ninh giống với trường hợp của Thanh.
Sau đó, Thanh và Trinh rất nhiều lần gặp Trung tại các quán cà phê Ka ka ở quận Bình Tân (gần nhà Thanh) ở TP Hồ Chí Minh để giao — nhận tiền. Thanh và Trinh cho biết, ban đầu Trung báo giá 150-200 triệu đồng/suất thi đỗ, nhưng sau đó Trung nói kỳ thi bị trục trặc do có Đoàn Thanh tra của Bộ Công an vào kiểm tra.
Vì vậy, để công việc được suôn sẻ, thì cần phải có thêm một khoản tiền nữa để chi thêm cho Đoàn Thanh tra. Vì thương con, lại tin vào lời của Trung nên Thanh và Trinh quyết định “đã lo thì lo cho trót”, do đó Thanh và Trinh đồng ý chi thêm tiền theo yêu cầu của Trung.
Theo lời khai của Thanh và Trinh thì từ năm 2012 đến tháng 5/2013, Thanh đã đưa cho Trung 6 đợt tổng cộng 380 triệu đồng và Trinh đưa nhiều đợt với tổng số tiền 405 triệu đồng và yên tâm chờ đợi kết quả từ phía Trung. Gia đình và hai học sinh từng ngày, từng giờ mong ngóng tin tốt lành của Trung.
Thế nhưng tháng 12/2013 kết quả thi của hai thí sinh Tuấn và Lân (con của Thanh và Trinh) không đỗ, không được nhập học.
Quá bức xúc, Trinh và Thanh tìm Trung để đòi lại tiền nhưng Trung trốn tránh. Vì vậy, Trinh và Thanh đã làm đơn tố giác đến cơ quan điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trung.
Tại cơ quan điều tra, Thanh và Trinh khai rằng, cả hai đã đưa cho Trung tổng cộng 785 triệu đồng (Thanh đưa 380 triệu đồng và Trinh đưa 405 triệu đồng), nhưng tất cả những lần đưa tiền, Thanh và Trinh đều không có biên nhận nào về việc giao tiền cho Trung.
Vì vậy, Trung đã chối phăng và thừa nhận là chỉ nhận của hai người với tổng số tiền là 105 triệu đồng (nhận của Thanh 50 triệu và nhận của Trinh 55 triệu đồng) để lo việc chạy các suất vào Trường Đại học An ninh.
Tại cơ quan điều tra, Trần Dương Trung còn khai nhận, sau khi nhận tiền để chạy các suất vào Đại học An ninh cho con của Thanh và Trinh, Trung đã tìm gặp Vũ Viết Hòa- bạn quen biết thân thiết với Trung hơn 10 năm đang công tác tại phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP HCM để “nhờ giúp đỡ”, Hòa đồng ý và giới thiệu Trung gặp Vũ Viết Lâm, cán bộ cùng công tác với Hòa.
Qua trao đổi thông tin, Trung được Hòa và Lâm nhận lời. Sau đó Trung đưa 100 triệu đồng cho Hòa tại phòng làm việc của Hòa vào tháng 5/2013. Khi biết con của Thanh và Trinh đều trượt, Trung có dùng tiền của mình đưa thêm 40 triệu đồng cho Hòa để Hòa giúp con Thanh vào học hệ cao đẳng, còn con của Trinh do điểm thấp nên Hòa không nhận.
Trung tiếp tục gặp Quảng (Quảng nói làm ở Bộ Công an nhưng không rõ lai lịch) chi cho Quảng 45 triệu đồng để giúp cho con của Trinh. Tuy nhiên cuối cùng tất cả con của Thanh và Trinh đều rớt.
Cơ quan điều tra đã cho Trung tiến hành nhận dạng về Hòa và Lâm, cũng như cho Trung vẽ lại sơ đồ phòng làm việc thì Trung đều nhận dạng và vẽ đúng.
Cả Hòa và Lâm đều thừa nhận có quen biết Trung, nhưng không hề nhận tiền của Trung vì cả hai đều không có khả năng hay mối quan hệ nào để chạy vào Trường Đại học An ninh như lời khai của Trung... nên không có căn cứ để xử lý những người này.
Với những hành vi vi phạm như trên, Viện KSND TP Hồ Chí Minh truy tố Trần Dương Trung tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Đoàn Thị Thanh và Trần Thị Tuyết Trinh tội “Đưa hối lộ”.
Dù vụ án diễn ra đã nhiều năm, TAND thành phố Hồ Chí Minh cũng nhiều lần đưa ra xét xử, nhưng tất cả đều bị hoãn, trả để điều tra, xác định các tình tiết chưa được làm rõ.
Ngày 21/6, TAND TP HCM tiếp tục đưa vụ án ra xét xử, các bị cáo đều bảo lưu lời khai của mình. Hai bị cáo Thanh và Trinh cho rằng mình không có tội vì đã chủ động tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo của Trung. Xét thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa thật sự sáng tỏ nên HĐXX quyết định tiếp tục hoãn phiên tòa.