Được đánh giá là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, Bộ Chính trị cũng đã ban hành nghị quyết và kết luận, song đến nay, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn phát triển dưới tiềm năng, đặc biệt, liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động vì thiếu vai trò “nhạc trưởng”...
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Chưa bền vững
Ngày 24/6, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (BTB&DHTB) đến năm 2010 phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ (NTB) trong bối cảnh mới". Vùng BTB&DHTB gồm 14 tỉnh thành, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, trong đó Tiểu vùng NTB gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Phát biểu tại cuộc Tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TW, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trần Tuấn Anh đã đánh giá một số kết quả đạt được trong việc triển khai Nghị quyết 39-NQ/TW năm 2004 và Kết luận 25- KL/TW năm 2012 của Bộ Chính trị.
Trưởng ban Kinh tế TW nhấn mạnh, KT-XH của một số địa phương trong tiểu vùng vẫn còn khó khăn; 3/4 địa phương trong tiểu vùng chưa tự cân đối được ngân sách; quy mô nền kinh tế tiểu vùng còn nhỏ và dễ bị tổn thương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có sự đột phá; tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn; các ngành thâm dụng lao động và giá trị gia tăng cao chưa có tỷ trọng lớn và chưa giữ được vai trò chủ đạo.
Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện chậm; nguồn vốn đầu tư mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và không đồng bộ; chưa thích ứng với các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Tình trạng mở rộng đô thị có mật độ thấp, sử dụng đất đai chưa hiệu quả, tính cạnh tranh của các đô thị không cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu của phát triển bền vững. Các đô thị chưa được liên kết tốt với nhau tạo thành một hệ thống thống nhất; huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị còn hạn chế. Tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển nhất là cảng biển.
|
Trưởng ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh. |
Trưởng ban Kinh tế TW cũng đề cập đến một thực tế là phần lớn DN là DN nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trước các tác động bất lợi. Đặc biệt, quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi ích tiểu vùng, toàn vùng. Liên kết vùng (LKV) còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò “nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy...
Tiến tới xây dựng cơ chế điều phối…
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, liên kết phát triển các địa phương trong Tiểu vùng đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm các cấp, các ngành, các nhà quản lý, các nhà hoạch định quy hoạch, chính sách phát triển và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định trong thời gian qua.
Tuy nhiên, dù các địa phương trong Tiểu vùng đã lồng ghép những định hướng liên kết phát triển trong các quy hoạch, chương trình được ban hành nhưng mức độ liên kết chưa cao...
Đơn cử như trong lĩnh vực KH&CN, không những vốn đầu tư cho lĩnh vực này của các tỉnh thuộc tiểu vùng NTB rất thấp (dưới 1% so với tổng vốn đầu tư ở thời điểm năm 2020, riêng Ninh Thuận chỉ có 0,03%) mà phát triển KH&CN chủ yếu được thực hiện ở phạm vi từng địa phương và thiếu sự hợp tác, liên kết trong nghiên cứu và ứng dụng KH&CN.
Hay như đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tỷ lệ thất nghiệp của Tiểu vùng tương đối cao (3,16% năm 2020) do nhân lực thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng, Trong Tiểu vùng có nhiều ngành, nghề có thể liên kết với nhau để đào tạo, nhưng thực tế chưa có sự liên kết đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng trong Tiểu vùng, kể cả trong một tỉnh…
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, vùng BTB&DHTB hiện chưa có văn bản pháp lý quy định việc thành lập và quy định quy chế hoạt động của Tổ chức bộ máy vùng/ tiểu vùng với vai trò điều phối hoạt động của các chính quyền địa phương trong vùng.
“Sự phối hợp giữa các địa phương mang tính tự phát, chưa toàn diện và thường xuyên, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp, còn mang tính hình thức. Do vậy, chưa tạo ra được hiệu quả phối hợp giải quyết những lĩnh vực chủ yếu trong LKV, chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch, hoạch định những chính sách riêng biệt thống nhất cho vùng/ tiểu vùng, thiếu sự gắn kết, phân công giữa các địa phương trong vùng”- Thứ trưởng phân tích.
Đại diện Bộ KH&ĐT cũng chỉ rõ, công tác tham mưu của các Bộ, ngành còn thiếu chủ động, chưa tập trung vào các hoạt động liên kết, chưa khuyến khích các địa phương trong vùng phối hợp, liên kết phát triển theo ngành, lĩnh vực cụ thể để phát huy tiền năng, lợi thế của địa phương trong khi xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương trong vùng khá thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao; một số địa phương có hạ tầng về cảng biển, sân bay, khu kinh tế và các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương có sự trùng lắp nên có sự phân tán nguồn lực đầu tư (cả nhà nước lẫn tư nhân). Do vậy, sự hợp tác và LKV chưa mang lại hiệu quả từ quy hoạch phát triển vùng, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực đến cơ chế phối hợp điều hành.
“Việc LKV và kinh tế vùng mới chỉ dừng lại ở chủ trương chung nên khi triển khai thực hiện là tự phát, chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả. Do vậy, cần thiết phải xây dựng một cơ chế điều phối, LKV hiệu quả, thực chất trong đó Nhà nước phải là nơi định hướng cho việc quy hoạch LKV...”- Đại diện Bộ KH&ĐT đề nghị...
“Cho dù liên kết phát triển giữa các tiểu vùng, vùng đang là nhu cầu thực tiễn, bức thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong bối cảnh mới nhưng thực tiễn hiện nay nếu không có những cơ chế điều phối đột phá từ TW thì tồn tại này vẫn khó có thể khắc phục được trong thời gian tới...”. (TS. Trần Du Lịch)
“Cái quan trọng nhất trong LKV là người cầm trịch, hay là bộ máy cơ chế LKV. Trong bối cảnh hiện nay khi mà vẫn còn chữ “Tôi”, chữ “Anh”, viết hoa chưa có thể thay đổi được, làm thế nào để chữ “Chúng ta” tốt cho cả chữ “Tôi”, chữ “Anh” tốt dần cho cả chữ “Chúng ta” thì chắc chắn là cái cơ chế đòi hỏi chưa phải sửa đổi quá nhiều pháp lý nhưng mà lại có những quyền hạn, năng lực nhất định trong điều phối vùng và huy động nguồn lực, nhưng đằng sau đấy chính là cơ chế giám sát và hệ thống động lực để cho bộ máy hoạt động…”. (TS Võ Trí Thành)