Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng chứng nhận cho cộng đồng chủ thể di sản của ba huyện, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật độc đáo của Lễ hội Gầu Tào.
Lễ hội Gầu Tào là ngày hội quan trọng nhất của người Mông, thường diễn ra vào đầu xuân nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc, mua màng bội thu.
Đây là nơi đồng bào người Mông gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng về một cuộc sống mới tươi đẹp hơn. Đồng thời, là nơi gắn kết tình cảm của người dân, những người con xa quê đoàn tụ với gia đình, thôn, bản, tạo ra không gian giải trí, vui chơi lành mạnh sau những tháng ngày lao động vất vả.
![]() |
Múa khèn, một trong những hoạt động tại Lễ hội Gầu Tào của người Mông tại Yên Bái . (Ảnh: Minh Sơn). |
Năm nay, nghi thức long trọng này đã chính thức trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đánh dấu bước tiến lớn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Cũng trong khuôn khổ, Đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao Quyết định và Bằng công nhận Cây Di sản cho UBND huyện Trạm Tấu đối với quần thể cây Du Sam Núi Đất. Việc vinh danh quán thể cây cổ thụ này không chỉ góp phần bảo vệ hệ sinh thái, mà còn đánh dấu sự quan tâm đến việc giữ gìn di sản tự nhiên của địa phương.
Nhận định về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản, UBND huyện Trạm Tấu cam kết tiếp tục triển khai những hoạt động thiết thực, kết hợp bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch.
Trong khuôn khổ lễ trao chứng nhận, chuỗi sự kiện văn hóa - du lịch đặc sắc đã diễn ra, bao gồm chương trình nghệ thuật "Rực rỡ sắc màu Trạm Tấu", màn trình diễn múa khèn Mông của 500 học sinh và tái hiện không gian Lễ hội Gầu Tào.
Du khách và người dân đã có cơ hội chiêm ngưỡng và trải nghiệm những nét văn hóa sâu sắc của đồng bào Mông, góp phần quảng bá hình ảnh Trạm Tấu nói riêng và Yên Bái nói chung.