Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ về khuyến công.
Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024 về việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công (Nghị định), trình Chính phủ xem xét quyết định trong tháng 12 năm 2024; Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định, dự thảo Tờ trình Chính phủ và các tài liệu liên quan.
Nghị định này chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công.
Dự thảo Nghị định gồm 04 điều, cụ thể như sau: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP; Điều 2: Thay thế một số từ ngữ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP; Điều 3: Hiệu lực thi hành; Điều 4: Trách nhiệm thi hành.
|
Lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ về khuyến công. |
Theo đó, Dự thảo Nghị định lấy ý kiến đóng góp sửa đổi một số nội dung như:
Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 1 như sau: “a) Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 10 năm; bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn).”
Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 1 như sau: Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp”
Sửa đổi khoản 1 Điều 2 như sau: “Chương trình khuyến công quốc gia là tập hợp các nội dung, nhiệm vụ về hoạt động khuyến công trong từng giai đoạn (thường là 05 năm) do Bộ Công Thương tổ chức xây dựng và phê duyệt phù hợp với kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn của ngành nhằm mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên phạm vi cả nước.”
Bổ sung khoản 5a, 5b Điều 2 như sau: “5a. Sản xuất và tiêu dùng bền vững là việc áp dụng các giải pháp theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ, chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.”
“5b. Chuyển đổi số trong hoạt động khuyến công là việc hỗ trợ áp dụng các sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số nhằm thay đổi mô hình quản lý, sản xuất kinh doanh truyền thống để tạo ra cơ hội, sản phẩm, doanh thu và giá trị mới trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.”
Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 như sau: “3. Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số”
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 như sau: “Tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động. Chương trình và hình thức đào tạo nghề chủ yếu là: kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề; chương trình bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; chương trình chuyển giao công nghệ.”
Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau: “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình về áp dụng sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh”
Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 4 như sau: “4. Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn thông qua hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp; hỗ trợ tổ chức hội chợ, triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm. Hỗ trợ tổ chức thi tay nghề thợ giỏi, thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu; hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại khác.”
Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 4 như sau: “7. Hỗ trợ xúc tiến đầu tư phát triển cụm công nghiệp; xử lý môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn: Hỗ trợ tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn xúc tiến đầu tư phát triển cụm công nghiệp. Hỗ trợ công nghệ, máy móc thiết bị xử lý nước thải, khí thải tại các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.”
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 như sau: “ 1Tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất vào các ngành, nghề sau đây được hưởng chính sách khuyến công theo quy định tại Điều 4 Nghị định này:
a) Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; sản xuất và chế biến thực phẩm.
b) Công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu.
c) Công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp. Sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, thân thiện với môi trường.
d) Công nghiệp cơ khí; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững.
đ) Ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương cần được bảo tồn và phát triển.
e) Áp dụng sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; xử lý môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.
g) Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.”
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6: “a) Ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp hoá chất phục vụ nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; công nghiệp hỗ trợ; áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng bền vững.”
“b) Ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm thuộc các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; công nghiệp mũi nhọn; công nghiệp trọng điểm của quốc gia, vùng, miền và từng địa phương; sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động.”
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 như sau: “1. Tổ chức dịch vụ khuyến công khác là đơn vị sự nghiệp công lập không trực thuộc Sở Công Thương có chức năng nhiệm vụ về khuyến công do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và các tổ chức không thuộc Điều 7, Điều 8 của Nghị định này nhưng có đủ năng lực để triển khai thực hiện các dịch vụ khuyến công.”
Bổ sung khoản 3 Điều 11 như sau: “3. Kinh phí khuyến công do ngân sách nhà nước cấp không tính vào thu nhập chịu thuế của cơ sở công nghiệp nông thôn.”
Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 14 như sau: “4. Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí khuyến công do ngân sách nhà nước cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về đầu tư công.”
Sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c khoản 1 Điều 15 như sau: “b) Xây dựng và phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia từng giai đoạn. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai các hoạt động khuyến công theo chương trình đã phê duyệt.”
“c) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, đề án khuyến công quốc gia hàng năm đảm bảo phù hợp với Chương trình khuyến công quốc gia từng giai đoạn đã phê duyệt.”
Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 16 như sau: “đ) Chỉ đạo việc xây dựng, đăng ký và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án có sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia.”
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 như sau: “2. Sở Công Thương là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương; chịu trách nhiệm xây dựng, trình Bộ Công Thương tổng hợp các chương trình, kế hoạch, đề án có sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khuyến công được phân cấp.”