Bóng tối phủ kín dãy Hoàng Liên Sơn, trên đầu là những khối đất đá sẵn sàng ụp xuống bất cứ lúc nào, dưới chân là vực thẳm cùng con suối Đắng Cay (hay còn gọi là suối Chăn) ầm ầm lũ cuốn, đường đi sình lầy, chia cắt, không ai nghĩ có thể vượt qua... Đó thực sự là một thử thách quá lớn với những người làm báo.
Đi tìm sự thật con số người chết
Trung tuần tháng 8.2016, khi trận mưa lũ lịch sử ở xã Nậm Xây (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) khiến hàng triệu khối đất đá trên các triền núi bị sạt lở, cuốn phăng những lán trại của các phu vàng đến từ các địa phương, hàng chục con người đã phải vùi xác nơi rừng thiêng, nước độc.
Thông tin ban đầu về vụ việc chỉ là có một vụ sạt lở bãi vàng Mà Sa Phìn, nhiều người chết chỉ được biết đến vài ngày sau khi xảy ra sự việc. Không ai biết gì hơn bởi mọi liên lạc bị cắt đứt, đường đến hiện trường cũng bị chia cắt. “Thủ phủ” vàng thổ phỉ Mà Sa Phìn bị cô lập hoàn toàn.
Là người làm báo, không ai không có suy nghĩ, đánh giá đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, cần cung cấp thông tin cho công chúng. 22 giờ ngày 22.8, chúng tôi quyết định di chuyển từ Hà Nội lên huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai để tìm hiểu vụ việc. Gần sáng hôm sau, chúng tôi có mặt ở Văn Bàn. Khi lên đến nơi, nhóm chúng tôi gặp rất đông đồng nghiệp từ các cơ quan báo chí.
|
Khởi đầu hành trình đầy thử thách, bỏ lại sự lo lắng của các đồng nghiệp đứng bên kia bờ suối dõi theo |
Sau khi tiếp cận thông tin từ người dân bản địa, chính quyền địa phương, đơn vị trực tiếp khai thác vàng tại Mà Sa Phìn và chính những phu vàng đang gần như kiệt sức sau khi thoát chết trở ra... chúng tôi nhận thấy không có sự trùng khớp về con số thương vong; bởi không một ai tiếp cận được hiện trường, lực lượng cứu hộ cũng không xuất hiện. Thông tin ban đầu mà chính quyền Lào Cai xác nhận là chỉ có 2 người thiệt mạng, tuy nhiên, số người bỏ mạng lớn hơn gấp nhiều lần lại được chính các phu vàng “lết" từ bãi vàng ra khẳng định.
Hàng chục nhà báo có mặt tại xã Nậm Xây đều xác định, để có thông tin chính xác, không còn cách nào khác là trực tiếp vào tận hiện trường bãi vàng. Nhưng những người dân là đồng bào bản địa cho hay, đường vào bị chia cắt, không thể vào được.
Cây cầu bê tông bắc qua con suối Đắng Cay đã bị lũ dữ cuốn phăng trơ đế và dòng suối vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nó “hiền hoà" trở lại, những triền núi sạt lở choán lấp đường, nhiều đoạn đường nứt toác dù chỉ rộng chừng 2m.
Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đành quay về Hà Nội, số ít ở lại xã để cập nhật thông tin chính thức từ chính quyền Lào Cai và tiếp cận những phu vàng trở ra từ bãi vàng.
Và cuối cùng, 5 phóng viên gồm nhà báo Hoàng Sang (Vietnamnet), Hoàng Anh (Nông nghiệp Việt Nam), Long Nguyễn (Lao Động), Nguyễn Hoà (Dân Việt) và tôi quyết định đi vào hiện trường Mà Sa Phìn, cách chỗ hiện tại gần 30km đường rừng núi hiểm trở. Chúng tôi bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn của bà con dân bản địa phương và những đồng nghiệp để đi tìm sự thật.
|
Những đoạn đường lầy lội trên hành trình gần 30km |
Rất lâu sau chúng tôi mới thuyết phục được anh Bàn Phúc Bảo, người dân tộc Dao dẫn đường chúng tôi vào hiện trường. Trước khi đi, không dưới 3 lần anh Bảo hỏi chúng tôi “các anh đã suy nghĩ kỹ chưa? Đường vào hiểm trở lắm đấy, sạt lở hết rồi”. Chúng tôi quả quyết “phải đi, nhất định phải đi". Vậy là 5 người chúng tôi lên xe máy đi hơn 4km sau đó “cuốc bộ" hơn 8 giờ đồng hồ để lên bãi vàng.
Trên đường vào Mà Sa Phìn, chúng tôi gặp hàng loạt tốp người phờ phạc, tái dại tháo chạy khỏi thủ phủ vàng thổ phỉ. Trong số đó có nhiều cậu bé chỉ 12 đến 17 tuổi, họ phải nhịn đói, uống nước suối hơn 2 ngày.
Toàn bộ lương khô, đồ ăn nhanh, nước uống chúng tôi mang theo đều chia cho họ, họ ăn ngấu nghiến, ngồm ngoàm. Nhưng thông tin mà chúng tôi nhận được là rất ít, bởi theo họ, trước lúc “hạ sơn”, tất cả các chủ bưởng đều răn họ phải im lặng.
|
Những phu vàng chỉ 12 đến 17 tuổi ăn ngồm ngoàm sau hơn 2 ngày nhịn đói, uống nước suối |
Hành trình 24km của 6 người chúng tôi phải trải qua những khung cảnh đáng sợ, những vạt núi nham nhở sau sạt lở; con đường độc đạo với một bên là núi cao sừng sững có những khối đá sẵn sàng đổ ụp xuống đầu và một bên là vực sâu thăm thẳm, những cây rừng dựng đứng, con đường thì nứt toác như chuẩn bị trượt xuống dòng lũ.
Dòng suối Đắng Cay sâu bên dưới chân chúng tôi hàng trăm mét thì vẫn đang gầm gào, réo lên như những tiếng khóc vọng ai oán. Nhiều đoạn đường bị cả nghìn khối đất đá choán lấp, có đoạn thì bị lũ xói vào tận chân núi, trơ những khối đá khổng lồ chắn đường.
8 tiếng đồng hồ, không có lúc nào chúng tôi được khô ráo bởi những cơn mưa, những con suối và... bởi mồ hôi. Những khúc suối nước chảy xiết, 5 anh em chúng tôi nắm tay nhau, lần từng bước chân, cùng động viên nhau.
Khi còn cách hiện trường chừng 3km, bóng đêm buông xuống, lúc này tất cả chúng tôi đều rất sợ hãi dù không ai nói ra bởi đoạn đường phía trước quá khủng khiếp. Hiểu được điều đó, tôi luôn hô lớn “anh em cố lên, sắp đến nơi rồi” dù thực sự đã thấm mệt và nỗi sợ hãi lúc nào cũng thường trực.
|
Đoạn đường nguy hiểm nhất khi bị lũ cuốn phăng |
Nguy hiểm nhất, có lẽ đó là khi chúng tôi vượt đoạn đường bị lũ cuốn phăng với chiều dài cả trăm mét, sâu chừng 30 mét, chỉ cần chân đặt lệch chút thôi là phải trả giá bằng cả mạng sống. Người đi trước miệng ngậm điện thoại bật đèn, lưng đeo ba lô, bò từng chút với sự hỗ trợ kéo giữ của đồng nghiệp. Đoạn đường nguy hiểm ấy càng thấy đáng sợ hơn khi ngày hôm sau chúng tôi trở ra lúc trời sáng.
|
Phút "hứng sóng" điện thoại bất thành của các đồng nghiệp |
Thông tin đăng tải, chính quyền buộc phải công nhận
Đến nửa đêm, chúng tôi đã có mặt ở “đại bản doanh” bãi vàng Mà Sa Phìn. Ai cũng mừng mừng tủi tủi và không tin rằng mình đã vượt qua thử thách để tìm ra thông tin về con số người chết trong vụ sạt lở bãi vàng.
|
Nắm đất ông Liên lấy từ điểm lán trại mà con trai mình ở trước khi gặp nạn về thờ |
Trên hành trình ấy, chúng tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện với người dân trực tiếp khiêng xác nạn nhân thuê, với chính các phu vàng thoát chết và cả những người thân đi tìm con em mất tích. Hình ảnh ám ảnh chúng tôi đến giờ phút này là việc ông Phạm Văn Liên cùng con rể, với sự dẫn đường của Phạm Văn Dự đi tìm thi thể của con mình là Phạm Văn Chức - một nạn nhân còn mất tích trong trận sạt lở bãi vàng lịch sử ấy. Không tìm thấy con, ông Liên đành ra về với nắm đất nơi lán trại của Chức nằm trước khi xảy ra sự việc. Chức đã mãi mãi nằm lại nơi bãi vàng tử thần Mà Sa Phìn với những hứa hẹn còn dang dở.
Sau hành trình đi tìm sự thật ấy, con số thương vong trong trận sạt lở bãi vàng dần được sáng tỏ và đăng tải, cung cấp cho công chúng một cách xác thực nhất. Sau khi Một Thế Giới cùng các báo bạn đăng tải về việc “Lào Cai công bố thông tin theo kiểu “nước tới đâu, be bờ tới đó”, phản ánh việc Lào Cai công bố không trung thực con số thương vong, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh làm rõ về số người tử vong tại Mà Sa Phìn.
|
Một góc bãi vàng oan nghiệt Mà Sa Phìn sau vụ sạt lở khiến ít nhất 12 người bỏ mạng |
Hai ngày sau, ông Đặng Xuân Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cùng đoàn công tác gồm lãnh đạo đầu ngành của các đơn vị trực thuộc cũng phải trực tiếp đi bộ vào... gần bãi vàng Mà Sa Phìn để nắm tình hình. Người đứng đầu UBND tỉnh Lào Cai cũng đề nghị các lực lượng công an, quân đội và các địa phương tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn.
Nhiều ngày sau khi thảm họa xảy ra, các cơ quan hữu quan của Lào Cai liên tục công bố các con số về các nạn nhân, nhưng vẫn chỉ công bố những gì báo chí phản ánh. Từ con số 2 người tử vong, Lào Cai buộc phải thừa nhận 12 người tử vong như Một Thế Giới đã đưa.
Đây sẽ là một trong những chuyến đi thực tế để lại những kỷ niệm về sự đoàn kết, tinh thần vượt lên khó khăn để có được thông tin chân thực, khách quan nhất gửi đến độc giả - điều mà giới báo chí luôn đề cao.