Hòa trong niềm vui đoàn tụ của ông Hàn Đức Long, người ta lại bồi hồi, xúc động nhớ lại khoảnh khắc cách đó không lâu, người dân cả nước đã vui mừng đón nhận hai người tù oan Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén trở về.
Nhất quyết tuyên có tội
10 năm ngang trái bắt đầu bủa vây xuống cuộc đời người nông dân Nguyễn Thanh Chấn khi ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan, một phụ nữ đã ly dị chồng được phát hiện tử vong ngay trong gian phòng ngủ của gia đình tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
|
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được trả tự do. |
Ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú cùng thôn) được coi là nghi can của vụ việc và sau đó, ông đã thừa nhận tại cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Bắc Giang rằng mình chính là hung thủ giết chị Hoan.
Điều khiến cho nhiều người có nhiệm vụ tham gia phiên tòa cũng như dư luận cả nước ngỡ ngàng là tại tất cả các phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm sau đó, ông Nguyễn Thanh Chấn đều không nhận tội và liên tục khẳng định mình bị ép cung.
| Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu. | Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, nguyên Tổng cục phó Tổng Cục An ninh: Điều chưa tốt của các cơ quan tố tụng là không chịu khẳng định oan sai khi thực tế nó đã oan sai. Cần tôn trọng hơn nữa cải cách tư pháp, trong đó có vấn đề đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị can, bị cáo. |
Vậy nhưng, bỏ qua tình tiết quan trọng ấy, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Giang vẫn kết luận ông Nguyễn Thanh Chấn đã phạm tội "giết người", phải chấp hành án phạt tù chung thân.
Trong quãng thời gian đằng đẵng oan ức mà ông Nguyễn Thanh Chấn phải trải qua, ở miền quê xa xôi Bình Thuận, ông Huỳnh Văn Nén cũng đang phải gánh chịu nỗi oan khiên không lối thoát, thậm chí là oan chồng oan, oan xuyên cả 2 thế kỷ.
Chuyện bắt đầu từ cách đây gần hai thập kỷ, đó là ngày 17/5/1998, Công an tỉnh Bình Thuận bắt ông Huỳnh Văn Nén (ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vì cho rằng ông đã dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông để cướp chiếc nhẫn.
Khi đang bị công an bắt giữ, ông Nén khai đã từng cùng 9 người khác trong gia đình giết bà Dương Thị Mỹ vào ngày 18/3/1993 tại huyện Hàm Tân.
Mặc dù kêu oan ở tất cả các phiên xét xử nhưng ngày 31/8/2000, ông Nén vẫn bị TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt chung thân trong vụ án giết bà Lê Thị Bông, còn trong vụ án giết bà Dương Thị Mỹ, ông Nén lãnh án 6 năm tù.
Nhưng sau đó, vào năm 2005, vụ án giết bà Dương Thị Mỹ đã được xác định là oan sai, 9 người trong gia đình ông Nén đã được Nhà nước trả tự do và bồi thường. Chỉ riêng ông Huỳnh Văn Nén vẫn phải thi hành án chung thân trong vụ giết bà Lê Thị Bông để cướp tài sản.
Chỉ vì những bản án oan sai đó, ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén đã phải chôn vùi tuổi thanh xuân - thời điểm xung sức nhất của cuộc đời mình nơi ngục tù tăm tối. Để rồi, hai con của ông Nguyễn Thanh Chấn phải bỏ học, đi làm thuê để gánh vác gia đình, còn ông Huỳnh Văn Nén phải cậy nhờ người cha già “gần đất xa trời” đội đơn đi kêu oan.
Cho đến ngày được trả tự do, ông Nguyễn Thanh Chấn đã phải trải qua 10 năm chịu cảnh gông cùm oan ức, còn ông Huỳnh Văn Nén đã phải gánh nỗi oan khiên suốt hơn 17 năm trời đằng đẵng, thậm chí đó là oan ức chồng lên oan ức.
Phép màu đưa 3 người tù oan trở về
Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Dương Thanh Biểu đã từng nói: Các cơ quan tư pháp phải hết sức coi trọng nguyên tắc suy đoán vô tội đã được khoản 1 Điều 13 Hiến pháp năm 2013, quy định.
|
Ông Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén gặp gỡ tại Tòa soạn Pháp luật Plus. |
Theo đó, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội theo đúng trình tự, thủ tục luật định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Nhà báo Nguyễn Mỹ cũng từng chia sẻ: Tôi quyết tâm cùng các đồng nghiệp và luật sư đưa vụ án Huỳnh Văn Nén ra ánh sáng vì biết rõ vụ án có dấu hiệu oan sai. Nhưng còn bởi vì tôi ngưỡng mộ, thương cảm và bị ám ảnh bởi hình ảnh người cha già tội nghiệp Huỳnh Văn Truyện. Tấm lòng và sự tâm huyết của cụ Truyện là niềm động lực cho chúng tôi kiên trì đến ngày đưa ông Nén ra khỏi những oan khiên.
Ngày công lý trở về, ông Nén quỳ dưới chân người cha già tội nghiệp Huỳnh Văn Truyện mà cảm ơn những năm tháng cụ đã kiên cường, miệt mài đi đòi công lý cho con. Ông Nén cũng không quên công lao của nhà báo Nguyễn Mỹ, luật sư Phạm Công Út và “thầy Thận” là những người đi đầu trong công cuộc đưa ông trở về với tự do…
Đó là những người xa lạ, không quen thân ruột thịt, cũng chẳng ai “chỉ mặt đặt tên” nhưng quả thực họ đã tìm đến ông Huỳnh Văn Nén giữa lúc ông lâm nguy để rồi làm nên một phép màu kỳ diệu - đưa người tù oan ấy trở về.
Dẫu trước đó chưa từng biết nhau nhưng ông Huỳnh Văn Nén và ông Nguyễn Thanh Chấn có nhiều điểm chung như cùng phạm tội giết người, cùng bị tuyên án tử hình nhưng đều được ân giảm xuống án chung thân.
|
Ông Hàn Đức Long trao đổi với PV Pháp luật Plus. |
Ông Chấn được giảm nhẹ hình phạt bởi ông là con duy nhất của liệt sĩ, còn ông Nén được hưởng án chung thân bởi ông được cho là đã “có công khai báo”, giúp công an tìm được thủ phạm giết bà Dương Thị Mỹ - vụ án mà công an Bình Thuận đã bế tắc suốt 5 năm.
Đó là một điều kỳ diệu bởi nếu không được ân giảm thành án chung thân thì với hai bản án tử hình của mình, hai ông có lẽ chẳng còn có cơ hội để liên tục kêu oan trong đằng đẵng nhiều năm như vậy.
Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do vào ngày 4/1/2013 sau hơn 10 năm ngồi tù oan, còn ông Huỳnh Văn Nén được trả tự do vào ngày 28/11/2015 sau hơn 17 năm ngồi tù oan. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn vào ngày 17/4/2015, còn ông Huỳnh Văn Nén được TAND tỉnh Bình Thuận xin lỗi vào ngày 3/12/2015.
Dẫu tìm thấy chân lý sau cùng nhưng ông Hàn Đức Long cũng đã được trả tự do vào ngày 22/12/2016 vừa qua. Việc công khai xin lỗi và bồi thường cho những năm tháng oan ức của ông Hàn Đức Long vẫn đang được các cơ quan chuyên trách tiến hành theo trình tự và quy định của pháp luật.
Ở những vụ án này, phải đặc biệt nhấn mạnh và cảm ơn sự cởi mở, chuyển mình tích cực của hệ thống tư pháp nước nhà trong việc công khai, mạnh dạn minh oan, xin lỗi những người tù oan trong sự ủng hộ của dư luận cả nước.
Nếu như ở vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Tòa án trả tự do cho ông Chấn khi hung thủ thực sự là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, còn ở vụ án Huỳnh Văn Nén, cơ quan tố tụng quyết định đình chỉ vụ án, minh oan cho ông Nén từ điểm mấu chốt là lá đơn tố cáo hung thủ Nguyễn Thọ, thì ở vụ án Hàn Đức Long, tự do lại trở về với ông từ việc “không đủ căn cứ để kết tội”.
|
Ông Hàn Đức Long đã được trả tự do sau hơn 11 năm. |
Ông Hàn Đức Long được minh oan sau 4 lần bị tuyên án tử hình và hơn 11 năm bị giam giữ là một điều chưa từng có trong lịch sử tố tụng nước ta. Điều đó cũng chứng tỏ rằng, tư pháp nước nhà đã có sự vận động rõ rệt, mạnh mẽ, pháp luật đã thực sự làm đúng, làm đủ nhiệm vụ của mình.
Đây cũng là những vụ án có điểm kết thúc được các cơ quan tố tụng cũng như dư luận quan tâm, ủng hộ, là sự tiếp nối của tinh thần thượng tôn pháp luật.
Có thể nói, càng trải qua nhiều những đớn đau, khổ cực thì con người ta càng cảm thấy trân quý cuộc sống thường nhật của mình. Ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén và ông Hàn Đức Long cũng vậy, có lẽ những tháng ngày này là những khoảnh khắc vô cùng tươi đẹp, hạnh phúc đối với họ…