Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, việc sử dụng mạng xã hội làm phương thức kết nối đã và đang trở thành xu thế tất yếu.
Những tính năng vượt trội, mạng xã hội đã góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống nhưng cũng mang đến không ít những điều phiền toái, như “con dao hai lưỡi”, mạng xã hội có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cũng có thể hủy hoại con người, gây ảnh hưởng xã hội tiêu cực nếu không sử dụng đúng cách.
Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Instagram, Youtube... giúp cho việc cập nhật tin tức, kết nối của người dân diễn ra nhanh chóng, dễ dàng.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội có nhiều luồng thông tin khó phân định được tốt, xấu, không rõ nguồn tin. Vì vậy, mỗi người sử dụng mạng xã hội cần nhận diện, nêu cao cảnh giác không bình luận, chia sẻ các thông tin không rõ nguồn tin khi chưa được xác minh kiểm chứng và phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn những thông tin xấu độc.
Mạng xã hội phát triển cũng là nơi các đối tượng xấu thường sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và các hành vi phạm tội khác. Nên chúng ta cần phải nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội để bảo vệ mình, người thân và cộng đồng.
Nâng cao kiến thức pháp luật để tránh vi phạm khi sử dụng mạng xã hội
Chia sẻ với Phóng viên Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam), Luật sư Đặng Xuân Cường - Công ty luật Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Thành Phố Hà Nội cho biết, mạng xã hội là thành tựu vĩ đại của khoa học công nghệ thông tin. Mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng mà có thể kể đến như là công cụ để giao lưu, học hỏi, kết nối bạn bè, chia sẻ, lan tỏa thông tin kiến thức bổ ích…
Hiện nay mạng xã hội là một phần thiết yếu của cuộc sống, đặc biệt là với giới trẻ. Tuy nhiên, ngoài những điều tốt đẹp thì việc sử dụng mạng xã hội cũng có những mặt tiêu cực xuất phát từ mục đích, ý đồ không trong sáng của một bộ phận người dùng.
Theo đó, những đối tượng xấu sử dụng mạng xã hội là một công cụ phương tiện để thực hiện hành vi xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức hoặc các cơ quan nhà nước.
Các hành vi tiêu biểu có thể kể tới như thông qua mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng xã hội để nói xấu, hạ bệ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhau.
Ở cấp độ cao hơn, một số đối tượng sử dụng mạng xã hội để làm công cụ tuyên truyền, chống phá Nhà nước…Tất cả những hành vi phổ biến nêu trên là những hành vi vi phạm pháp luật, chỉ khác nhau ở mức độ và đối tượng bị xâm phạm.
Để đấu tranh phòng chống với những hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện trên không gian mạng, các nhà làm luật đã dự liệu và kịp thời ban hành những văn bản quy phạm pháp luật đi kèm các chế tài xử phạt.
Các văn bản pháp luật điều chỉnh liên quan tới không gian mạng có thể kể đến như: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022).
Khi các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng có mức độ được xác định là tới mức nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự với những tội danh tiêu biểu như: “Tội lừa đảo chiến đoạt tài sản theo” theo Điều 174, “Tội vu khống” theo Điều 156, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331…
Quả thực sẽ là không quá nếu ví von mạng xã hội cũng giống như một chiếc “giếng giữa đàng” trong câu ca dao “thân em như giếng giữa đàng, người khôn rửa mặt người phàm rửa chân”.
Do vậy, để tránh gặp phải những chế tài pháp luật bất lợi, người dùng mạng xã hội cũng cần phải có những hiểu biết pháp luật nhất định.
Đặc biệt, cần nâng cao ý thức cộng đồng, sử dụng mạng xã hội có hiểu biết, có văn hóa bằng việc không cổ súy cho những hành vi bạo lực, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật để từ đó tránh gây ra những hệ lụy khôn lường cho xã hội.
Nâng cao tinh thần tố giác tin giả
Hiện nay, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, tại tên miền www.tingia.gov.vn.
Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ phối hợp cơ quan chức năng thẩm định, công bố tin giả; đánh giá xu hướng thông tin chia sẻ, tương tác lớn để dán nhãn cảnh báo tin giả; tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả; công bố thông tin xác thực và hướng dẫn người dân cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả.
Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thực hiện phân loại tin để dán nhãn cảnh báo cho cộng đồng gồm: Tin giả - tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng; Tin sai sự thật - tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, tin không có sở cứ được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng; Tin xác thực - là tin đúng sự thật, được kiểm chứng, kết luận bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tại giao diện chính của website dán nhãn và công bố các tin giả được phát hiện để cộng đồng biết.
Thông tin trên website được chia thành các lĩnh vực sau: Chính sách, pháp luật; Kinh tế, tài chính; Lĩnh vực y tế; sản phẩm y tế liên quan đến sức khỏe con người; Thiên tai, dịch bệnh; An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Tài khoản giả mạo; Đường link lừa đảo; lĩnh vực khác.
Khi phát hiện tin giả không được bình luận hay chia sẻ mà cần thông báo, phản ánh về Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam qua các kênh thông tin như sau: Hotline 18008108, website: www.tingia.gov.vn, email: [email protected] để được xử lý.
Theo thông tin trên TTXVN, thống kê của Trung tâm xử lý tin giả, đến tháng 7/2022, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 4.363 tin phản ánh; thẩm định, gắn nhãn và công bố 50 tin giả; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ trên 3.120 tin, bài có nội dung xấu độc, link giả mạo.
Quá trình xử lý tin giả, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã thiết lập được mạng lưới xử lý tin giả trên toàn quốc, với hơn 100 đầu mối thuộc các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.
Tags: