KCN Mỹ Tho tập trung hàng ngàn công nhân đang sinh sống và làm việc, nhu cầu nhà ở đang là bài toán bức thiết cần ngành chức năng tỉnh nhà giải quyết. Tuy nhiên, mới đây dự án nhà ở miễn phí cho công nhân của một doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp khó vì không nhận được sự đồng thuận của tỉnh.
Nhu cầu nhà ở cho công nhân trở nên bức thiết
Theo số liệu khảo sát vào tháng 7/2014 của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang, với sự tham gia của hơn 16.000 công nhân thì có khoảng 3.500 công nhân đang có nhu cầu mua nhà ở và gần 3.000 công nhân có nhu cầu thuê nhà.
Tình hình nhà ở cho công nhân tại đây đang vô cùng bức thiết, thế nhưng từ năm 2014 đến nay chưa hề có dự án nhà ở xã hội nào tại tỉnh này được đưa vào sử dụng.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, công nhân tại các KCN trên địa bàn tỉnh đều tự lo chốn ở, phải sống trong những khu nhà trọ tạm bợ, chật hẹp, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt.
|
Đại đa số công nhân có nhu cầu gắn bó công việc lâu dài, cần sự ổn định về chỗ ở trên địa bàn KCN Mỹ Tho. |
Tại văn bản số 633/BQL- LĐDN (văn bản 633) ngày 14/4/2016 của Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang thì toàn bộ KCN Mỹ Tho hiện chỉ có 2 doanh nghiệp thực hiện nhà ở cho công nhân là Công ty CP Hùng Vương và Công ty CP Gò Đàng.
Theo văn bản 633, Công ty Hùng Vương đã xây dựng được khu nhà ở gồm 30 phòng trên phần diện tích là 500m2 cho khoảng 100 công nhân thuê. Thế nhưng, trao đổi với phóng viên, một nhân viên làm việc tại khu nhà của Công ty Hùng Vương cho biết, số nhà này là quá ít ỏi và chỉ có cán bộ lãnh đạo công ty ở mà thôi.
Tiếp đó, Công ty Gò Đàng cũng đã tổ chức xây dựng được khoảng trên 160 phòng cho khoảng 500 công nhân thuê. Thế nhưng, ghi nhận của chúng tôi, các phòng ở đây chỉ rộng khoảng từ 10 đến 15m2 với khoảng 2- 3 công nhân sinh sống chung.
Trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện trên địa bàn có dự án chung cư Mỹ Lợi dành cho người thu nhập thấp. Dự án có chủ trương đầu tư từ 2009, với quy mô 250 căn, bao gồm 3 block A,B,C (2 block 8 tằng, 1 block 9 tầng). Nhưng suốt 8 năm qua, dự án cũng chỉ mới xây dựng được 70% phần thô mà thôi.
Hiện chủ đầu tư chung cư Mỹ Lợi đang phải ngưng thi công và cũng không biết đến khi nào mới tái khởi động lại. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù là nhà giá rẻ nhưng quy hoạch lại chưa phù hợp với nhu cầu của người dân nơi đây, có thể đó là lý do công trình đang nằm “bất động”.
Theo ý kiến của nhiều gia đình công nhân tại KCN Mỹ Tho thì họ đều khẳng định nếu phải bỏ tiền thì không muốn ở trên nhà cao tầng bởi sinh hoạt bất tiện, không phù hợp với đời sống anh chị em công nhân.
Điều chỉnh quy hoạch với tỷ lệ bất hợp lý
Là đơn vị sử dụng nhiều lao động, từ năm 2013 đến nay, Công ty Thuận Phong đã nhiều lần gửi văn bản, có kiến nghị xin cấp hoặc thuê đất để xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân. Theo công ty, diện tích đề nghị UBND tỉnh cấp hoặc cho thuê là 1,9 ha.
|
Công ty Thuận Phong rất mong tỉnh Tiền Giang xem xét việc cấp/thuê đất hợp lý để doanh nghiệp làm dự án, tạo cơ hội cho công nhân được ở nhà miễn phí. |
Ngày 23/11/2016, UBND tỉnh Tiền Giang ra Quyết định 3559/QĐ-UBND (Quyết định 3559) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư Trung An, TP Mỹ Tho trên diện tích thể hiện là hơn 21ha trong đó có 3,1ha đất dành cho xây dựng nhà ở xã hôi.
Ngày 07/12/2016, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký Công văn số 5641/UBND-ĐTXD giao cho UBND TP Mỹ Tho phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty Thuận Phong các thủ tục đầu tư khu nhà ở cho công nhân.
Căn cứ theo hướng dẫn của lãnh đạo tỉnh, Công ty Thuận Phong đã làm các thủ tục đầu tư dự án, thuê đơn vị chức năng lập bản vẽ, thiết kế xây dựng dự án trên diện tích hơn 1,9ha đất.
Thế nhưng, đến ngày 13/3/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 459/QĐ-UBND (Quyết định số 459) về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu dân cư Trung An.
Theo đó, tại khu dân cư Trung An chỉ còn 1,1ha quy hoạch chung cư – nhà ở xã hội dành cho doanh nghiệp thay vì 3,1 ha như trước đó.
Lý giải về việc này, ông Phạm Anh Tuấn- Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tỉnh giới thiệu khoảng 2ha đất để xây dựng nhà ở và các thiết chế xã hội dành cho công nhân. Do quỹ đất có hạn, UBND tỉnh đã giới thiệu khoảng 2ha đất cho Tổng LĐLĐ tại khu dân cư Trung An. Vì vậy phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch.
Cũng theo ông Tuấn cho hay, mới đây Tổng LĐLĐ Việt Nam có ý kiến đề nghị tăng diện tích lên khoảng hơn 3ha. Do đó, UBND tỉnh đang xem xét và xin ý kiến thường trực Tỉnh ủy về vấn đề này.
|
Theo quy hoạch tại Quyết định 459 thì tỉ lệ sử dụng đất đối với nhà ở hiện hữu chỉnh trang và nhà ở thương mại gấp hàng chục lần so với chung cư nhà ở xã hội. |
Theo nội dung tại Quyết định số 459, Khu dân cư Trung An được quy hoạch dành hơn 3,4ha để xây nhà ở thương mại với quy mô dân số là 1.084 người, tương đương với tỉ lệ 31,5m2/người.
Phần diện tích nhà ở hiện hữu chỉnh trang là hơn 1,6ha với quy mô dân số là 428 người, tương đương với tỉ lệ 37,6m2/người.
Thế nhưng, điều nghịch lý là phần diện tích nhà ở xã hội được quy hoạch là 1,1ha thì lại có quy mô dân số là 3.235 người, tương đương với tỉ lệ chỉ là 3,4m2/người.
Như vậy là phần diện tích nhà ở thương mại có tỉ lệ sử dụng dất gấp hơn 9 lần so với nhà ở xã hội, còn nhà ở hiện hữu chỉnh trang là hơn 11 lần.
Việc doanh nghiệp xin UBND tỉnh cấp hoặc cho thuê đất để xây nhà ở miễn phí, tạo cuộc sống ổn định là đi đúng theo nguyện vọng thực tế đời sống công nhân. Tuy nhiên, với việc điều chỉnh quy hoạch bất ngờ với tỷ lệ bất thường như trên, một dự án nhà ở xã hội mới manh nha đã đứng trước nguy cơ chết yểu.
Chính phủ khuyến khích địa phương giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân Tại khoản 2, điều 6, Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/10/2015 quy định về Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các khu công nghiệp: “Trường hợp khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở cho công nhân, người lao động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt (hoặc điều chỉnh quy hoạch) để bổ sung quỹ đất phù hợp phát triển nhà ở xã hội; thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được lựa chọn theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này đảm nhận việc triển khai thực hiện dự án. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương.” |
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.