Ông Võ Trung Mạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông vừa thông tin với báo chí về Hội thi cồng chiêng, xoang của đồng bào dân tộc Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông lần thứ II năm 2024.
Theo ông Mạnh, Hội thi cồng chiêng lần này là một trong 5 sự kiện do huyện Tu Mơ Rông tổ chức nhằm hưởng ứng Tuần Văn hoá – Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024, kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Tu Mơ Rông. Hội thi kéo dài 2 ngày (từ ngày 28 đến ngày 29/11). Hội thi sẽ được tổ chức tại Quảng trường Trung tâm huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.
Tham gia hội thi cồng chiêng, xoang có 11 đội của 11 xã trên địa bàn huyện. Mỗi đội có khoảng 25 người trở lên, bao gồm nhiều lứa tuổi khác nhau.
|
Biểu diễn cồng chiêng của người Xơ Đắng( Kon Tum). Ảnh: Báo Kon Tum |
Tại hội thi, 11 đội sẽ có thời gian không quá 35 phút để trình diễn bài thi. Bài thi gồm 5 phần thi liên hoàn. Trong đó, ở phần mở đầu, các đội sẽ tự thuyết minh về nét đẹp truyền thống đồng bào Xơ Đăng, các chính sách tự đào tạo, truyền dạy cồng chiêng và thành quả trong việc bảo tồn văn hoá cồng chiêng mà địa phương đã làm được trong năm qua. Tiếp đó, các đội thi sẽ tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu mang đậm bản sắc, hơi thở cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng, trình diễn các bài cồng chiêng gắn liền với múa xoang,, trình diễn các tiết mục dân ca truyền thống; chỉnh âm cồng chiêng.
Ban tổ chức sẽ chấm, trao giải cho các hạng mục giải thưởng cồng chiêng, xoang, giải thưởng chỉnh âm cồng chiêng và giải thưởng trình diễn làn điệu dân ca.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm, trên địa bàn, tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Đây là một kho tàng văn hóa vô cùng độc đáo, quý giá. Trong định hướng phát triển, huyện Tu Mơ Rông xác định du lịch là một trong các hướng phát triển để giúp người dân thoát nghèo bền vững. Để phát triển du lịch, bắt buộc phải bảo tồn nền văn hoá đồng bào dân tộc Xơ Đăng.
Những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách để bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Xơ Đăng như tặng chiêng cho các làng, dạy đánh chiêng, chỉnh chiên miễn phí, đưa cồng chiêng vào trường học, tổ chức các hội thi để giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Nhờ đó, từ chỗ cồng chiêng đối diện nguy cơ thất truyền, nay đã có lớp trẻ tài năng kế thừa, các điểm du lịch hút khách đến tham quan, đồng bào có thêm thu nhập.