Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện chia sẻ của sinh viên muốn đốt bằng đại học với mục đích làm thay đổi suy nghĩ của phụ huynh, học sinh cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xét tuyển đại học thiếu hiệu quả suốt những mùa tuyển sinh vừa qua. Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội này tuyên bố sẽ đốt bằng đại học nếu có 99 người ủng hộ...
Chỉ cần 99 like và cực đoan?
Thực ra, chia sẻ này đưa lên từ mùa tuyển sinh năm ngoái, nay được nhiều người chia sẻ lại. Tuy nhiên, những ngày này, giữa thời điểm các sỹ tử đang đứng trước ngưỡng cửa chọn trường lớp, ngành nghề, và đây cũng là câu chuyện liên quan tới 225.500 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp… thì xét cho cùng cũng là vấn đề đáng suy nghĩ.
|
Ảnh minh họa. |
Trên trang Facebook của mình, H.X.H đã tuyên bố sẽ đốt bằng đại học nếu đủ 99 người ủng hộ. Theo đó, H.X.H cho biết, việc làm này nhằm thức tỉnh và thay đổi suy nghĩ về việc học đại học của phụ huynh, học sinh…
Tôi đang rất muốn làm một việc gì đó để thức tỉnh và thay đổi suy nghĩ về việc học đại học của các bậc phụ huynh và các em học sinh, đặc biệt là dừng ngay việc xét tuyển thiếu hiệu quả, tốn kém tiền của và công sức của xã hội!
Thứ nhất, tôi muốn khẳng định rằng: không có ai thành công, hạnh phúc mà không có đam mê và kiên trì theo đuổi đam mê đó!
Có ai thành công, hạnh phúc mà không đam mê các bạn giới thiệu giúp tôi nhé, tôi nguyện cả đời làm nô bộc cho người ấy!
Thực ra bây giờ các em chọn trường này, trường kia tức là nghề này, nghề kia đã là quá muộn, bởi chúng ta đều không được hướng nghiệp một cách đúng đắn từ trước nên khó phát huy được hết tiềm năng của mình.
Học những thứ mình không yêu thích, đam mê, học chiếu lệ, học chỉ để thi cho qua, lấy cái bằng… chính vì thế nên cả đời chẳng làm nên công trạng gì! chẳng có kỳ tích!
Tại sao tôi đam mê kinh doanh mà tôi lại học cơ khí bách khoa? Tại sao bạn tôi thích chụp ảnh bố mẹ nó lại cứ bắt nó học y? Tại sao lại bắt con cá cứ phải học leo cây?
Chúng ta hẳn muốn có nhiều người Việt như Ngô Bảo Châu, như Đỗ Nhật Nam, như Ánh Viên? Đa số chúng ta đang sai lầm cơ bản về việc học, đặc biệt là học đại học!
Học mà không biết học để làm gì, học chỉ để thi đỗ, thi đỗ chỉ để lấy bằng. Tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều sinh viên, đa phần khi tôi hỏi em thích ra trường làm gì hoặc đam mê của em là gì họ đều không có câu trả lời, hoặc trả lời rất mông lung.
Thực tế cho thấy, đa phần sinh viên hiện nay ra trường không biết làm gì, một số chọn đi học…thạc sĩ, tiến sĩ…thế nên số thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam mới khủng khiếp nhất thế giới!
Tôi muốn chứng minh rằng, bằng đại học chỉ là tờ giấy, mục đích của việc học đại học không phải là kiếm bằng mà là kiếm nghề.
Thời gian học đại học là thời gian để các bạn học lấy một cái nghề, tích lũy kiến thức, kỹ năng, tu dưỡng thái độ, tư duy tích cực chứ không phải chỉ chăm chăm giật lấy cái bằng, bằng mọi giá!
Trước đó, trên trang cá nhân của mình, bạn Đ.T.H cũng đã tuyên bố sẽ đốt hai tấm bằng tiếng Nhật của mình với chủ điểm “Đốt tấm bằng đi và học như chưa hề biết gì. Mình quyết định đốt nó vì muốn truyền tải một thông điệp là “hãy học vì sự phát triển của bản thân”, đừng vì giới hạn nào đó mà hạn chế khả năng của mình”- Đ.T. H chia sẻ.
Việc đốt bằng đại học từng xôn xao trên mạng ở Trung Quốc. Năm 2010, Trịnh Khắc Phong, một cử nhân ngành tiếng Anh ở Hồ Bắc cũng đã đốt tấm bằng của mình sau 5 năm không tìm được việc làm.
Sự việc này nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng.
Không thể thích là... đốt
Trước chia sẻ này, Trần Minh Phương, sinh viên Trường ĐH Dân lập Văn Lang phản đối: Đó là hành động, suy nghĩ bất thường. Đâu phải cứ không tìm được việc làm hay không thỏa mãn điều gì đó như mong đợi là mang nó đem đốt.
|
Không thể cứ thích là đốt bằng. |
Đó là kết quả của 4 năm học hành và rèn giũa, là công sức của ba mẹ đã nuôi nấng mình trong suốt những ngày còn ngồi ở giảng đường.
Hãy nghĩ đến việc ba mẹ đã nuôi mình ăn học vất vả để kết thúc một chặng đường. Đốt bằng cũng chẳng thay đổi được gì!
Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trái chiều, X.H đã giải thích rằng dòng status của anh có hai phần rõ ràng: phần thông điệp và phần phương tiện.Việc anh nói rằng sẽ đốt tấm bằng đại học của mình chỉ là phương tiện để anh gửi thông điệp tới các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên nhanh hơn và xa hơn.
X.H cũng chia sẻ rằng chỉ cần thông điệp của anh thay đổi được suy nghĩ của một phụ huynh thì anh cũng thấy thoả mãn, dù nhiều người có nói rằng hành động của anh là ngu, là điên:“Cho dù nó chỉ thay đổi được suy nghĩ của một phụ huynh, tiếp thêm động lực cho một em học sinh dám lựa chọn dấn thân theo đam mê, sở thích, tôi cũng thấy thỏa mãn rồi”.
Bên cạnh đó người này cũng khẳng định thêm rằng, với anh, bất cứ hành động đốt phá nào đều mang tính tiêu cực và đó không phải là cách làm của anh.
Cuối dòng chia sẻ của mình, X.H cũng đưa ra những lời khuyên cho các bạn trẻ hiện nay không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh mỗi khi gặp khó khăn. Chính hoàn cảnh khó khăn sẽ tạo ra những cơ hội để các bạn trưởng thành sớm hơn và mạnh mẽ hơn.
Và trên thực tế, dưới góc độ luật pháp, việc đốt bằng đại học được các chuyên gia pháp luật cho rằng “đó là quyết định của riêng họ nếu không nhằm vào việc thực hiện hành vi trái pháp luật”.
Nhưng với trường hợp đốt bằng đại học để phản đối sự kiện, chính sách của Nhà nước nếu nhằm mục đích phá hoại, xâm phạm an ninh quốc gia, chống chính quyền nhân dân thì tùy trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng trong Bộ luật Hình sự 1999 như tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội (Điều 86); tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 87); tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam (Điều 88)…
Luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn Luật sư TP HCM cũng chia sẻ: Về mặt cảm tính, tôi không đồng tình với việc ai đó đốt bằng đại học của mình vì bất kỳ lý do gì. Vì bất luận thế nào, bằng đại học trước hết là bằng chứng chứng minh quá trình học tập, phấn đấu và kiến thức của người được cấp bằng. Thứ nữa, bằng đại học còn là tài sản cá nhân, ít nhiều vẫn có giá trị, chẳng hạn như đi xin việc. Cho nên đốt bằng trước mắt là thiệt hại cho chính mình.
Hiếu học... hư danh
Có thể nói, với con số hơn 600.000 sinh viên ra trường mỗi năm trên cả nước, tỷ lệ cử nhân chưa tìm được việc làm trong 3 tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp được Bộ GD-ĐT thống kê là hơn 40%.
Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp sau ít nhất 16 năm vất vả đèn sách, đầu tư chi phí học tập từ phổ thông đến đại học vẫn lên tới hàng trăm nghìn người mỗi năm.
Nguyên nhân ngoài vấn đề khách quan là chương trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu lao động thực tế, còn xuất phát từ phía người học khi họ đã sai lầm ngay từ lựa chọn đầu vào.
Mục tiêu chính chỉ đơn giản là làm sao đỗ đại học cộng với “cái bóng” quá lớn của những ngành nghề luôn được đánh giá là “hot” như: Y - Dược - Quản trị kinh doanh - Kinh tế…; trong khi có rất nhiều chuyên ngành nhỏ đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực.
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, nước ta đang tồn tại phong trào hiếu học đến lạc hậu, học vì hư danh.
Người người, nhà nhà đều muốn tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, ngành nào cũng được, chủ yếu để “oai”. Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học.
Đồng tình ý kiến trên, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD-ĐT nhận định, tâm lý chung của nhiều người là thích học đại học và học lên cao, không cần biết có cơ hội xin việc làm hay không.
Trong khi đó, nhu cầu của người học lại mâu thuẫn với chất lượng đào tạo giáo dục đại học. Tất cả những nguyên nhân trên xuất phát từ việc “trống” hướng nghiệp trong nhà trường. Điều này dẫn đến tâm lý, học sinh không hiểu được sở thích bản thân, nhu cầu xã hội, cứ nghĩ theo đại học mới thành tài.
Trong khi đó, “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, một người đầu bếp giỏi cũng có thể đi khắp thế giới và thành đạt. Công việc phải đáp đứng được kinh tế và nhu cầu của gia đình, xã hội.
Vì vậy, định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện từ bậc THCS. Và công việc nào cũng là một sự lựa chọn lương thiện. Đơn cử như chị Bùi Thị Lệ Hương (43 Ngõ Huyện, Hà Nội) tốt nghiệp Đại học Luật với tấm bằng khá trong tay nhưng không thể xin được việc.
Chị Hương quyết định bán bún đậu mắm tôm với ý nghĩ đây là một món ăn dân dã, dễ làm và chỉ bỏ ít vốn. Chị nói: “Đi học đâu phải chỉ để có một công việc tốt. Cho dù công tác đào tạo còn nhiều vấn đề nhưng dù sao đi học cũng cho mình rất nhiều điều bổ ích. Và việc học hành giúp cho mình trở thành một người có văn hóa trong ứng xử, trong suy nghĩ”..