Vợ chồng em trai tôi có tài sản chung là một mảnh đất, nay em dâu tôi mất, em trai tôi đi tù thì tài sản đó bên nào được hưởng?
Em trai tôi mang chứng bệnh trầm cảm, mới đây đã lỡ tay giết vợ. Xin hỏi khung hình phạt của em tôi là bao nhiêu năm tù? Em dâu và em trai tôi đã kết hôn, không có con chung và có tài sản chung là 1 mảnh đất. Về mặt pháp lý, em dâu tôi mất, em trai tôi đi tù thì tài sản đó bên nào được hưởng?
|
Em dâu và em trai tôi đã kết hôn, không có con chung nhưng có tài sản chung là 1 mảnh đất. Ảnh minh họa |
Luật sư Nguyễn Công Thành – Đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời: Trước hết, hành vi giết người của em trai bạn, đặc biệt lại là giết vợ mình, là một hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng người khác. Em bạn sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật bởi tội danh này được quy định rất rõ dàng ở Điều 93 Bộ luật hình sự.
Theo Điều 93 Bộ luật hình sự, tội giết người quy định như sau: 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. |
Như vậy, hành vi của em trai bạn có thể bị xem xét theo khoản 2 điều 93 Bộ luật hình sự với mức hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp này, mức phạt của em trai bạn là bao nhiêu năm tù thì còn phụ thuộc vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác. Vì em trai của bạn khi thực hiện hành vi phạm tội đang trong trạng thái có dấu hiệu bị trầm cảm nên có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm n khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.
Còn vấn đề tài sản chung là mảnh đất của em trai và em dâu bạn, về nguyên tắc, mỗi bên có quyền đối với một nửa tài sản của mình. Nếu em dâu bạn trước khi tử vong không có di chúc thì phần tài sản là một nửa mảnh đất này của em dâu bạn sẽ được chia thừa kế theo quy định tại Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Tuy nhiên, theo điểm a khoản 1 Điều 643 Bộ luật dân sự 2005 quy định, những người không được quyền hưởng di sản gồm: “Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó”.
Do đã có hành vi giết vợ nên em trai bạn không có quyền được hưởng phần tài sản mà vợ mình để lại. Số tài sản đó sẽ được chia thừa kế theo quy định tại Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 như đã phân tích ở trên.