Hôm qua, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố các luật đã được Quốc hội (QH) thông qua tại Kỳ họp thứ 6, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018.
|
Hình minh họa. |
Trả lời câu hỏi của báo chí về hiệu quả của biện pháp phòng ngừa tham nhũng qua kê khai tài sản (KKTS), ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, để khắc phục tính hình thức trong việc xác minh, kiểm soát tài sản (KSTS), thu nhập, Luật yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn và một số nhóm viên chức giữ chức vụ quản lý kê khai lần đầu.
Việc KKTS hàng năm chỉ tập trung vào nhóm đối tượng tương đương từ giám đốc sở trở lên ở cả TƯ và địa phương cùng một số vị trí quản lý tài chính, tài sản công hoặc thường xuyên trực tiếp giải quyết công việc của người dân. Được biết, số lượng người phải KKTS rất lớn, theo thống kê dù chưa đầy đủ đã có khoảng 4.000-5.000 người.
Hàng năm, cơ quan kiểm soát sẽ chủ động xây dựng kế hoạch xác minh bảng kê khai, dựa trên lựa chọn ngẫu nhiên. Nói về KSTS, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, theo đánh giá của lãnh đạo cơ quan hữu trách, đây là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản so với luật hiện hành và còn nhiều điểm tương đối mới khác.
Cứ hy vọng đi!
Tuy nhiên, người ta có quyền nghi ngại về hiệu quả của KSTS, bởi ở chính cái “cơ chế” KSTS. Phải nói rằng, bất minh về thu nhập và sinh hoạt luôn là “tin báo” của tội phạm. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, cơ quan có trách nhiệm phát hiện ra một vụ án “động trời” từ “thùng nước gạo” của một gia đình quan chức luôn có đầu gà và cổ cánh gà vứt đi giữa lúc cả miền Bắc đói khổ. Sự việc đã trở thành một ví dụ sống động trong giáo trình giảng dạy các trinh sát đấu tranh chống tội phạm kinh tế.
Bây giờ đã khác ngày xưa, cán bộ không ai còn nghèo, cán bộ nghèo thì không lãnh đạo được ai?. Vì thế tìm ra thu nhập bất minh cực khó. Vẫn biết là bất minh, bởi suy từ lương, không dễ gì có biệt thự trăm tỷ, nhưng tìm ra chứng cứ, khó hơn “bắc thang lên trời”. Trông chờ vào sự tự giác của cán bộ có chức, có quyền thời nay để việc KKTS trung thực… có vẻ ảo tưởng.
Không ai “ghè đá” vào chân mình.
Không có đạo luật nào sửa đổi, bổ sung nhiều như Luật PCTN. Cả triệu cán bộ, công chức phải KKTS, thu nhập để kiểm tra, xác minh hàng năm, khi có biến động tài sản, nếu anh không giải trình được nguồn gốc thì đó chính là dấu hiệu tham nhũng, đặc biệt là trong nhóm nửa triệu. Nhưng, Luật PCTN sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua vẫn chưa có quy định việc xử lý, tịch thu tài sản có nguồn gốc bất minh. Như vậy, nếu nhỡ KKTS không trung thực, bị phát hiện ra tài sản không rõ nguồn gốc cũng không bị thu hồi.
Do vậy, KKTS sẽ còn là câu chuyện “hài” lâu dài trong công tác PCTN.