Truyền thuyết về trâu vàng đã đi vào tâm thức bao đời của người Việt, thể hiện trong bao nhiêu địa danh thôn làng, sông hồ, mang chữ Ngưu trong tên gọi.
Và có lẽ, những câu chuyện hư hư thật thật về Trâu Vàng gắn liền với địa danh Hồ Tây, vẫn gợi cho ta một chút tò mò, lý thú.
Sự tích hồ Trâu Vàng
Hồ Tây còn được gọi là đầm Xác Cáo, hồ Dâm Đàm, hồ Kim Ngưu, hồ Lãng Bạc, Đoài Hồ… Trong tiềm thức dân gian, hồ rộng 500ha, nằm ở Tây Bắc kinh thành Thăng Long này, chứa rất nhiều lớp huyền tích thần bí và rất linh thiêng...
"Đền Ông, Phủ Bà" ấy là cách gọi của người dân làng Tây Hồ. Với việc chỉ Phủ Bà là Phủ Mẫu - Tây Hồ và Đền Ông là Đền Ông Trâu Vàng hay Đền Kim Ngưu. Nói đến Thần Trâu Vàng thờ tại Đền Kim Ngưu, có nhiều sách ghi chép như : Bắc Thành địa dư chí, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí, Thăng Long cổ tích khảo, Tây Hồ chí….
Truyền rằng vào cuối đời Đường, Cao Biền thấy vùng đất Giao Châu rất linh thiêng có thể sinh ra nhiều người chống lại Bắc quốc nên đã đến nhiều nơi ở vùng này để trấn yểm, đào đứt long mạch. Một hôm Cao Biền đến đất Duy Tiên (nay thuộc Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) khai sông chặt đứt long mạch núi Phục Tượng (Đọi Sơn), thần núi Đọi Sơn hóa thành trâu vàng phóng ánh sáng rực rỡ chạy dọc theo sông Hồng mà lên đến Đầm Xác Cáo (hồ Tây ngày nay) rồi biến mất. Những vết chân trâu để lại tạo nên dòng chạy gọi là sông Kim Ngưu. Nơi Trâu Vàng ẩn náu gọi là hồ Kim Ngưu (Hồ Tây).
Có nhiều truyền thuyết lý giải cho sự hình thành đền Kim Ngưu gắn với hồ Tây. Trên tấm bia trong khuôn viên đền ghi lại rằng: Tương truyền có nhà sư Không Lộ (Có nơi nói rằng là nhà tu hành tên Minh Không) đức cao vọng trọng, pháp thuật cao cường. Nhà sư chữa được bệnh cho thái tử nhà Tống nên được yết kiến vua nhà Tống. Vua Tống ban thưởng cho được vào kho để chọn lựa tùy thích vàng hay đồng, miễn là chỉ đựng đầy túi vải. Vừa bước vào cửa, sư Không Lộ thấy một con trâu bằng vàng to lớn đúc bằng vàng ròng đứng nghênh ngang như canh giữ kho châu báu.
Thấy gian chính giữa có đặt đồng đen, sư Không Lộ bèn giở phép thần thông, lấy quá phân nửa số đồng đen trong kho của vua Tống rồi ra bờ bể thả nón tu làm thuyền chở về nước. Số đồng đen đó vừa đủ để đúc chuông. Chuông được các thợ rèn trứ danh của Việt Nam đúc theo hình hoa sen hé nở, tiếng chuông thanh, vang xa.
Chuông đúc xong, sư Không Lộ cầm chày đánh lên tiếng chuông đầu tiên. Tiêng chuông vang xa, rung động ngàn dặm. Trâu vàng ở kho báu của vua Tống nghe tiếng chuông đồng, ngỡ là tiếng mẹ gọi (vì đồng đen là mẹ của vàng), nên cất vó cong sừng chạy về phía Nam tìm mẹ. Trâu vàng tìm đến hồ Tây nhưng không tìm thấy mẹ, cũng không nghe tiếng mẹ gọi, nó bực tức lồng lên, quần đảo cả một vùng khiến mặt đất sụt xuống, biến thành một hồ rộng lớn. Nhà sư Không Lộ bèn lăn chuông xuống hồ, chuông đồng rung vang một lần cuối cùng trước khi rơi xuống nước. Con trâu vàng theo đó cũng nhảy xuống hồ, biến mất theo chuông. Từ đó, hồ có tên là Kim Ngưu và dân gian còn truyền tụng:
“Trâu vàng ẩn mãi giữa hồ,Nước dù cạn vẫn mịt mù tăm hơi”.
Đền Trâu Vàng
Sau khi sư Không Lộ thả chuông xuống hồ thì có một huyền thoại rằng, từ nay về sau, trong dân chúng nếu ai sinh được 10 người con trai thì cha con lên hồ sẽ gọi được trâu vàng về. Một gia đình sinh được 9 người con trai đã mừng thầm, nhận thêm một người con trai nuôi nữa để kéo trâu vàng về nhà. Trâu Vàng lên khỏi mặt nước vào bờ thì thừng bị đứt, trâu vàng chui ngay vào hang ở gần đó. Nơi đó được nhân dân lập đền thờ gọi là đền Kim Ngưu.
Và từ đấy đến nay, bao nhiêu mưa nắng bão giông, bao nhiêu con nước, bao nhiêu sương khói phủ lên mặt Tây Hồ, chiếc chuông vẫn nằm nguyên dưới đáy và hình như con trâu vàng cũng đang nằm bên chiếc chuông, nghe nhịp thở của trâu mẹ vẳng lên từ một cõi hư hao nào mà trong lòng đất sâu thẳm của Hà Nội oai linh, ta có thể nghe được tiếng rì rầm hồn thiêng non nước.
Có thể đây là câu chuyện răn dậy tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau của người Tây Hồ, hoặc chăng là câu chuyện cổ tích. Và câu chuyện về ông Trâu Vàng mãi là truyền thuyết. Nhưng có một sự thật mà từ bao đời nay nhân dân Quảng An không lý giải nổi. Dù là vùng trồng lúa nước nhưng nhân dân Quảng An và nhân dân làng Tây Hồ xưa chỉ có thể dùng bò để đi cày. Vì cứ hễ nhà nào nuôi trâu thì không hiểu sao cứ lăn kềnh ra chết. Các cụ già trong làng thường bảo nhau rằng: Vì làng có thờ Thần Trâu Vàng nên việc bắt các cụ trâu đi cầy là phạm vào điều kị. Thành ra, như luật bất thành văn người dân Tây Hồ xưa chỉ dùng bò và sức người để cầy ruộng.
Xét sâu xa thì có lẽ truyền thuyết Trâu Vàng có gốc là sự giao thoa văn hóa giữa các tộc Bách Việt và các tộc phi Hán thuở xa xưa. Bởi tại những vùng đất mà ngày xưa là địa bàn cư trú của những tộc Ba Thục, Bách Việt ở phía Nam sông Hoàng Hà (phía Bắc là địa bàn tộc Hán) có phong tục đúc hình con trâu bằng kim khí để trấn yểm.
Truyền thuyết dân gian biến hóa theo dòng chảy của cuộc đời, tựu trung Trâu được coi là một con vật thiêng có khả năng trừ ma quái, bảo vệ dân làng. Tín ngưỡng thờ Trâu Vàng là một tín ngưỡng tích cực, phù hợp với nguyện vọng cầu mong một cuộc sống yên ổn của nhân dân xưa. Đền thờ Trâu Vàng bên bờ Hồ Tây là một biểu hiện vật chất của tín ngưỡng và nguyện vọng đó. Trên bản đồ Hà Nội vẽ năm 1873 vẫn còn ghi địa điểm đền Kim Ngưu ở đầu doi đất Tây Hồ.
Đền Kim Ngưu tọa lạc trên một gò đất cao, kề sát bờ Đông của Hồ Tây, nằm trong quần thể di tích Đền Kim Ngưu và phủ Tây Hồ. Đền có Tam quan, phủ chính, điện thờ Mẫu, sân trong và nhà khách. Đền Kim Ngưu ở làng Tây Hồ. Làng này thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ Hà Nội, đang nổi tiếng với ngôi phủ thờ mẫu. Điều không phải vô cớ khi xung quanh hồ có tới 13 làng mà chỉ có làng này được mang tên của hồ. Có lẽ là do làng nằm trên một doi đất dài nhất ăn sâu vào tới nửa lòng hồ.
Năm 2000, đền được xây dựng lại với kiến trúc kiểu chữ Đinh, có tam quan, phủ chính, điện thờ Mẫu, sân trong và nhà khách. Trong đền hiện còn lưu giữ 32 đạo sắc phong cho thần Kim Ngưu từ thời Lê đến thời Nguyễn. Tín ngưỡng thờ trâu vàng cũng là một trong những đặc trưng văn hóa của người Việt bởi theo quan niệm, đây là loài vật thiêng có thể kết nối với thần linh, trấn áp yêu ma và bảo vệ cuộc sống của người dân.
Bổ sung cho không gian cổ kính của đền Kim Ngưu còn có cây đa hơn 100 năm tuổi đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (VACNE) công nhận là Cây di sản Việt Nam năm 2012. Cây đa này có bộ rễ khổng lồ với chu vi 32m, chu vi thân chính là 7,2m, thân cây cao trên 25m, tán cây rộng hơn 200m2, các rễ phụ mọc bao quanh toàn bộ gốc chính.
Vẫn biết câu chuyện thần Trâu Vàng là “hư”, nhưng huyền thoại hình như cắm rễ sâu vào đời sống hiện thực, mang sắc thái rất thiêng, theo những người chứng kiến kể lại, như là thực và hư-thực và thực luôn đan quện vào nhau, như làn sương huyền ảo bên hồ hôm nay.
Cây đa đền Kim Ngưu
Ảnh minh họa sự tích Kim Ngưu
Bên trong đền Kim Ngưu
Quả chuông đồng đen trong đền Kim Ngưu
Trâu đồng nặng 400kg
Hồ Tây mơ mộng trong lòng Hà Nội